Triển vọng kinh tế Trung Quốc năm 2022?

Anh Quang-Thứ hai, ngày 17/01/2022 19:57 GMT+7

VTV.vn - Theo dự báo, năm 2022, Trung Quốc vẫn sẽ kiên định với 2 chính sách "Tuần hoàn kép" và "Thịnh vượng chung".

Bước sang năm 2022, Trung Quốc dự báo vẫn sẽ kiên định với 2 chính sách quan trọng là "Tuần hoàn kép" - mô hình kinh tế tập trung vào tiêu dùng nội địa thay vì xuất khẩu, và "Thịnh vượng chung" - giảm bất bình đẳng thu nhập và chênh lệch giàu nghèo, nhưng sẽ có những điều chỉnh nhất định.

"Hiện nay đối với Trung Quốc, bài toán đặt ra không phải tăng trưởng, mà là chất lượng tăng trưởng và duy trì sự ổn định trọng tâm trong chính sách kinh tế Trung Quốc không hướng đến tăng trưởng mà hưởng đến ổn định", Tiến sĩ Phạm Sỹ Thành, Giám đốc Chương trình Nghiên cứu Chiến lược Mekong - Trung Quốc, VNUA, cho biết.

Sự ổn định về kinh tế là cần thiết bởi Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 20 sẽ diễn ra trong năm nay. Do vậy những áp lực về vốn đối với thị trường bất động sản được cho sẽ giảm bớt.

Triển vọng kinh tế Trung Quốc năm 2022? - Ảnh 1.

Hiện các dự báo tăng trưởng kinh tế đều bớt lạc quan trong năm 2022 do Trung Quốc tiếp tục áp dụng chính sách Zero COVID-19 và chi tiêu tiêu dùng còn thấp. (Ảnh minh họa - Ảnh: Getty Images)

Sau 1 năm thắt chặt tiền tệ, dự báo năm nay Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) sẽ nới lỏng cung tiền thông qua tiếp tục hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc cũng như hạ lãi suất trong quý 1/2022, nhằm thúc đẩy tiêu dùng và tăng trưởng kinh tế.

Về lĩnh vực công nghệ, dự báo áp lực cũng sẽ hạ nhiệt, song cánh cửa IPO nước ngoài của ngành này đã gần như đóng lại.

"Hoạt động gọi vốn IPO của các doanh nghiệp sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Chúng ta nhận thấy rằng Ant Group của Alibaba đã bị hủy niêm yết chỉ vài ngày trước khi họ lên sàn mà dự kiến có thể đem đến cho họ gần 40 tỷ USD. Điều này không những ảnh hưởng đến hoạt động niêm yết hiện thời, mà nó sẽ ảnh hưởng đến triển vọng huy động vốn từ thị trường chứng khoán và các thị trường vốn ở ngoài Trung Quốc của các tập đoàn công nghệ lớn", Tiến sĩ Phạm Sỹ Thành, Giám đốc Chương trình Nghiên cứu Chiến lược Mekong - Trung Quốc, VNUA, cho biết thêm.

Hiện các dự báo tăng trưởng kinh tế đều bớt lạc quan trong năm 2022 do Trung Quốc tiếp tục áp dụng chính sách Zero COVID-19 và chi tiêu tiêu dùng còn thấp.

Bên cạnh đó, động lực xuất khẩu chính cũng sẽ giảm mạnh khi nhiều quốc gia, đặc biệt tại ASEAN đã quay trở lại tốc độ sản xuất bình thường, cạnh tranh xuất khẩu trở lại.

Ngoài ra, Trung Quốc sẽ đầu tư rất mạnh cho lĩnh vực công nghệ, với nguồn lực chính là nhà nước thay vì tư nhân.

"Nhà nước sẽ tăng sự hiện diện cổ phần vàng hoặc cổ phần chi phối tại các doanh nghiệp tư nhân hoặc kết hợp mô hình công - tư ở các doanh nghiệp công nghệ, cho dù chỉ chiếm 1% nhưng đều có quyền bổ nhiệm 1 trong 3 vị trí quan trọng của hội đồng quản trị và đầu tư cho lĩnh vực công nghệ mới mà Trung Quốc gọi là hệ thống cơ sở thế hệ mới, bao gồm xây dựng nền tảng về kỹ thuật số, xây dựng nền tảng dịch vụ dựa trên công nghệ blockchain mà Trung Quốc tham vọng gọi là mạng Internet thứ 2 của toàn cầu", Tiến sĩ Phạm Sỹ Thành cho hay.

Dự kiến nước này sẽ công bố mục tiêu GDP năm nay trong cuộc họp Quốc hội thường niên vào tháng 3 tới.

Chính sách 'Zero COVID' của Trung Quốc khiến gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu kéo dài Chính sách "Zero COVID" của Trung Quốc khiến gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu kéo dài

VTV.vn - Theo nhà kinh tế Katrina Ell của Moody’s Analytics, tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng đang tiếp tục chủ yếu do chính sách Zero COVID của Trung Quốc.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước