Theo Reuters, Trung Quốc nhiều khả năng sẽ chứng kiến đà tăng trưởng chậm lại trong cuối năm vừa rồi.
Dự báo của Reuters cho thấy GDP quý IV/2021 tăng 3,6% so với cùng kỳ năm ngoái, thấp nhất trong gần 2 năm qua. Dù vậy, tăng trưởng cả năm 2021 vẫn có thể đạt 8% - mức cao nhất trong 1 thập kỷ, nhờ đà phục hồi tích cực của nước này từ sau khi khống chế được đại dịch.
Bước sang năm 2022, Trung Quốc cũng được dự báo sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức từ gián đoạn chuỗi cung ứng cho tới biến thể Omicron. Xuất khẩu vốn là một trong số ít lĩnh vực vững mạnh trong năm 2021, cũng dự kiến sẽ chậm lại, trong khi chính phủ vẫn tiếp tục kiềm chế lượng khí thải công nghiệp.
Công nhân làm việc tại dây chuyền sản xuất xe tải hạng nặng của Tập đoàn sản xuất ô tô Thiểm Tây, Trung Quốc. (Ảnh: Xinhua)
Các biện pháp kích thích dự kiến sẽ được tung ra trong giai đoạn đầu năm nay nhằm ngăn chặn đà giảm tốc của nền kinh tế.
Các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc đã tuyên bố sẽ ngăn chặn tình trạng suy thoái mạnh hơn của nền kinh tế, trước thềm Đại hội đại biểu toàn quốc Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 20 vào cuối năm nay.
Các nhà kinh tế dự kiến Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) sẽ tung ra nhiều biện pháp nới lỏng tiền tệ hơn, với khả năng sẽ ưu tiên bơm thêm tiền vào nền kinh tế hơn là cắt giảm lãi suất quá mạnh.
Trong khi đó, một số nhà phân tích cho rằng PBoC sẽ đưa ra các bước nới lỏng nhẹ nhàng hơn, như cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc của các ngân hàng.
Các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc cũng đã cam kết tăng cường hỗ trợ tài khóa cho nền kinh tế, với việc đẩy nhanh chương trình phát hành trái phiếu đặc biệt của chính quyền địa phương để thúc đẩy đầu tư cơ sở hạ tầng và lên kế hoạch giảm thuế nhiều hơn.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!