Một trong những nhận định được đưa ra tại hội nghị đó là triển vọng phát triển ngành Công Thương trong 6 tháng cuối năm nhận được tín hiệu tích cực từ nội tại nền kinh tế, nhưng cũng phải đối mặt với nhiều thách thức của kinh tế thế giới.
Báo cáo từ hội nghị cho thấy, chỉ số sản xuất công nghiệp trong 6 tháng đầu năm đã tiếp được đà tăng trưởng với mức tăng 10,5%, công nghiệp chế biến chế tạo vẫn là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng toàn ngành. Về thương mại, thành quả nổi bật được ghi nhận là cả nước xuất siêu 2,7 tỷ USD trong nửa đầu năm 2018. Trong đó, phải kể đến nhiều tín hiệu tích cực từ khối doanh nghiệp trong nước, với mức tăng xuất khẩu 19,9%.
Đánh giá về tình hình 6 tháng cuối năm, nội tại nền kinh tế hiện đang có nhiều dấu hiệu tích cực hỗ trợ cho ngành Công Thương như: Kinh tế vĩ mô ổn định, niềm tin vào cải cách môi trường kinh doanh được củng cố, các hiệp định thương mại sắp có hiệu lực và chờ thông qua là EVFTA và CPTPP.
Tuy nhiên, căng thẳng thương mại quốc tế trong đó có cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc có thể gây xáo trộn thị trường xuất khẩu, suy giảm tăng trưởng từ các bạn hàng lớn của Việt Nam.
Sau khi nghe trình bày về báo cáo xuất nhập khẩu, báo cáo ngành công nghiệp, báo cáo về cải cách hành chính, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cũng đặc biệt lưu ý tới công tác cắt giảm điều kiện kinh doanh, đẩy mạnh cổ phần hóa hơn nữa và theo dõi sát diễn biến thị trường trong nước và quốc tế.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!