12 dự án, thua lỗ hơn 16.000 tỷ đồng. Chính phủ yêu cầu phải xử lý dứt điểm trong 2 năm. Vậy sau 1 năm tái cơ cấu, những dự án nghìn tỷ giờ ra sao? Các dây chuyền máy móc đã hoạt động hay vẫn nằm đắp chiếu?
Câu chuyện về 12 dự án có vốn đầu tư lớn nhưng thua lỗ kéo dài là vấn đề nóng, đã từng được đưa ra chất vấn trước Quốc hội. Sau 1 năm tái cơ cấu đã bắt đầu có tín hiệu tích cực từ những dự án này.
Sau 1 năm triển khai, 5 dự án của Tập đoàn Dầu khí có dự án đã hoàn tất đàm phán cấp cao với đối tác để đi vào hoạt động tháng 4/2018. Có dự án đã có đơn hàng mới nhưng những vướng mắc, tranh chấp gói thầu EPC ở một số dự án qua nhiều lần đàm phán vẫn chưa đi đến thống nhất, dẫn đến phải đưa ra Tòa trọng tài quốc tế để giải quyết.
4 dự án thuộc Tập đoàn Hóa chất, có dự án đã vận hành 90% công suất, có dự án lên kế hoạch lãi hơn 100 tỷ đồng nhưng các doanh nghiệp vẫn gặp khó trong thu xếp nguồn vốn cho sản xuất, chi phí còn lớn, công suất thấp và tiêu thụ chậm.
Trong khi 2 dự án thuộc Tổng Công ty Thép Việt Nam có lợi nhuận trước thuế gần 200 tỷ đồng thì dự án Nhà máy Bột giấy Phương Nam thuộc Tổng Công ty Giấy Việt Nam vẫn đãng tiếp tục được Bộ Công Thương tính cơ chế xử lý bán đấu giá dự án do việc định giá hiện nay là quá cao.
Các dự án thua lỗ nghìn tỷ tái hoạt động trở lại là một tín hiệu tích cực. Nhưng bên cạnh những thuận lợi, một khó khăn chung của tất cả các dự án là vấn đề vốn. Có công ty thậm chí còn không đủ tiền mua nguyên liệu về sản xuất.
Mới đây, tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Chính phủ về xử lý các tồn tại, yếu kém tại một số dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành Công Thương, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Chỉ đạo nhấn mạnh, Chính phủ kiên quyết không cấp thêm một đồng ngân sách nào cho các dự án yếu kém và phải xử lý theo nguyên tắc thị trường.
Vậy, giải pháp về vốn, về thị trường sẽ như thế nào cho các dự án trong ngắn hạn và dài hạn, sau đây là chia sẻ từ một số chuyên gia kinh tế:
Bức tranh về xử lý 12 dự án thua lỗ đã có nét sáng hơn, tuy nhiên, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng đây mới chỉ là kết quả ban đầu và nhắc lại 2 mục tiêu quan trọng.
Một là sớm giải quyết các tồn tại, vướng mắc để chấm dứt tình trạng thua lỗ, khắc phục tối đa thiệt hại. Hai là phải xác định rõ trách nhiệm, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có sai phạm trong quá trình đầu tư, quản lý, vận hành. Những dự án nào không thể phục hồi thì phải xử lý, những dự án nào có khả năng phục hồi thì sẽ phục hồi với khả năng cao nhất.
Phó Thủ tướng yêu cầu các Bộ ngành liên quan và các doanh nghiệp cần có quyết tâm cao hơn nữa, phấn đấu hết năm nay sẽ xử lý căn bản các tồn tại, yếu kém của các dự án, doanh nghiệp.
Theo lộ trình, đến hết năm 2018, Bộ Công Thương sẽ xử lý căn bản các tồn tại, yếu kém đối với các dự án, doanh nghiệp.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!