Triển vọng tăng trưởng kinh tế của khu vực châu Á - Thái Bình Dương

VTV Digital-Thứ sáu, ngày 28/06/2024 21:57 GMT+7

VTV.vn - Số liệu mới nhất từ khảo sát của S&P Global, hoạt động sản xuất tại các nhà máy châu Á đã ghi nhận sự tăng trưởng mạnh mẽ.

Trong nửa đầu năm 2024, một loạt các định chế tài chính lớn toàn cầu như Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB)… đều đã nâng triển vọng tăng trưởng kinh tế của khu vực châu Á - Thái Bình Dương lên các mức dao động từ 4,6% - 4,8% và tiếp tục coi đây là khu vực dẫn dắt, là động lực tăng trưởng trên toàn cầu.

Nhiều dữ liệu kinh tế khả quan đã được ghi nhận trong giai đoạn vừa qua. Bên cạnh đó là những thách thức cần đối mặt. Số liệu mới nhất từ khảo sát của S&P Global, hoạt động sản xuất tại các nhà máy châu Á đã ghi nhận sự tăng trưởng mạnh mẽ. Đặc biệt, chỉ số PMI sản xuất tại Trung Quốc tăng với tốc độ nhanh nhất trong hai năm, nhờ số lượng đơn đặt hàng mới gia tăng. Điều này mang lại hy vọng về sự phục hồi trên diện rộng không chỉ ở châu Á mà còn trên toàn cầu.

Triển vọng tăng trưởng kinh tế của khu vực châu Á - Thái Bình Dương - Ảnh 1.

Chỉ số Asia Dollar Index đo lường sức mạnh các đồng tiền châu Á của Bloomberg đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 2022

Ông Paulo Medas - Vụ trưởng Vụ các vấn đề tài khoá, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) nêu ý kiến: "Sản xuất phục hồi sẽ giúp đà tăng trưởng của châu Á ổn định. Chúng tôi kỳ vọng các nền kinh tế lớn đang phát triển của khu vực này sẽ đạt mức tăng trưởng khoảng 5%, tức là cao gấp đôi so với mức tăng tại nhiều khu vực trên thế giới".

Một điểm sáng khác là có đến 6 quốc gia ở châu Á lọt vào Top 10 điểm đến thu hút FDI toàn cầu trong năm nay. Tuy nhiên, áp lực tỷ giá đang là bài toán đau đầu với nhiều nền kinh tế trong khu vực.

Chỉ số Asia Dollar Index đo lường sức mạnh các đồng tiền châu Á của Bloomberg đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 2022, sau khi đồng tiền của Ấn Độ và Philippines giảm xuống gần mức thấp kỷ lục, đồng Yen Nhật Bản rơi thấp nhất 38 năm.

Dự báo phải đến tháng 9, FED mới có thể có đợt hạ lãi suất đầu tiên khiến đà tăng của đồng bạc xanh vẫn được duy trì.

Bà Yun Liu - Chuyên gia kinh tế phụ trách thị trường ASEAN, Ngân hàng HSBC cho biết: "Các Ngân hàng Trung ương khu vực cần ứng phó với nhiều chính sách khác nhau. Indonesia đã phải nâng lãi suất cơ bản để kiềm chế đà giảm giá đồng Rupiah, nhưng tôi không nghĩ đây là phương án hiệu quả cho các Ngân hàng Trung ương khác theo đuổi. Mặt bằng lãi suất tiền gửi sẽ được điều chỉnh lên một chút, chứ khó đi lên nhiều vì nỗi lo về xuất khẩu và về tăng trưởng kinh tế vẫn còn đó".

Căng thẳng thương mại gia tăng, giá cước vận tải biển tăng trong ngắn hạn, rủi ro địa chính trị tiếp tục là những thách thức mà kinh tế châu Á phải đối mặt.

Tại Hội nghị thường niên các nhà tiên phong lần thứ 15 của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF Đại Liên) vừa kết thúc tại Trung Quốc, các nhà lãnh đạo châu Á cũng đã tập trung thảo luận về những động lực tăng trưởng mới của kinh tế khu vực.

Ông Simon Lacey - Trưởng bộ phận Địa chính trị và Thương mại số, WEF nhận định: "Chuyển đổi công nghệ, đặc biệt là công nghệ xanh sẽ là lõi của việc thúc đẩy tăng trưởng thời gian tới. Dòng vốn xanh, trái phiếu xanh sẽ là lời giải nếu các bên biết nắm bắt cơ hội".

3/4 các nhà kinh tế trưởng được hội nghị WEF Đại Liên khảo sát cho biết chuyển đổi công nghệ sẽ là động lực tăng trưởng tích cực của kinh tế châu Á và toàn cầu trong 5 năm tới, với 2/3 dành cho trí tuệ nhân tạo và hơn một nửa cho quá trình chuyển đổi năng lượng xanh và sạch.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước