Kết thúc năm 2019, 12 chỉ tiêu kinh tế xã hội Quốc hội giao cho Chính phủ đều hoàn thành. Đặc biệt, nhiều lĩnh vực đã đạt con số kỷ lục, cao nhất từ trước đến nay. Bước sang 2020, bức tranh kinh tế toàn cầu vẫn diễn biến phức tạp. Cơ hội và thách thức vẫn tiếp tục đan xen, đặc biệt khi kinh tế Việt Nam đã mở cửa ở cấp độ cao, cạnh tranh sẽ tiếp tục thử thách việc điều hành và hoạt động của cả bộ máy chính trị.
Năm 2020, người đứng đầu Chính phủ giao chỉ tiêu xuất khẩu phải chạm mốc 300 tỷ USD, xuất siêu đạt khoảng 15-17 tỷ USD. Theo các nhà phân tích, mục tiêu này có tính khả thi cao nếu như các doanh nghiệp trong nước cơ cấu lại sản xuất và tăng tính liên kết với nhau. Đặc biệt, khi nhiều hiệp định thương mại tự do đã bắt đầu có những hiệu ứng tích cực với nền kinh tế.
Bước sang năm 2020 hàng loạt những trở ngại từ địa chính trị trên thế giới diễn biến phức tạp và khó lường. Xu hướng tự do hóa thương mại và bảo hộ mậu dịch tiếp tục kéo dài. Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung diễn biến phức tạp. Cách mạng công nghiệp lần thứ tư mang lại nhiều cơ hội cùng với thách thức tuy nhiên, Chính phủ vẫn kiên định với những mục tiêu đề ra. Điều này đòi hỏi ngay từ những người đứng đầu Chính phủ, bộ ngành và các địa phương với những chính sách sâu sát hơn gắn với hội nhập kinh tế quốc tế.
Năm 2020, mục tiêu hàng đầu vẫn là ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, tính tự chủ và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Chính phủ tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế thực chất hơn, đẩy nhanh quá trình chuyển đổi mô hình tăng trưởng nhằm đạt được những mục tiêu đề ra trong năm nay, một năm được xác định nhiều thách thức và diễn biến khó lường.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!