Triết lý Emptiness (hư không), những sản phẩm trứ danh mang phong cách tối giản đã giúp tạo ra một "đế chế" hùng mạnh Muji. Tuy nhiên tại Mỹ, điều này dường như là không đủ để Muji có thể chống đỡ đại dịch COVID-19.
Tờ Bloomberg đưa tin, Muji Mỹ đã nộp đơn xin phá sản theo Chương 11 tại Delaware. Các công ty xin phá sản dạng này có tổng tài sản và nợ trong khoảng 50 - 100 triệu USD và số chủ nợ vào khoảng 200 - 999.
Muji Mỹ đã nộp đơn xin phá sản sau những khó khăn từ đại dịch COVID-19
Công ty mẹ của Muji - Ryohin Keikaku - cho hay, cơn bão COVID-19 đã khiến chi nhánh tại Mỹ thiệt hại nặng. Muji Mỹ đã phải vật lộn với những khoản lỗ khổng lồ từ tiền thuê mặt bằng cao cùng hàng loạt các chi phí khác từ trước đại dịch. Công ty định triển khai nhiều biện pháp cải tổ để tăng doanh số và hiệu quả hoạt động nhưng không thành vì đại dịch tràn qua.
Được thành lập năm 1980 tại Nhật Bản chỉ với vỏn vẹn 40 sản phẩm, ngày nay Muji đã phát triển mạnh mẽ với hàng chục ngàn mặt hàng tại hàng nghìn cửa hàng ở hơn 30 quốc gia trên thế giới.
Đi ngược với những món đồ hào nhoáng, những sản phẩm của Muji thể hiện đúng phong cách của người Nhật: tinh tế, đa dạng, hữu dụng; thiết kế nhẹ nhàng, gần gũi. Công ty cũng hướng tới sự tối giản để thiết kế các sản phẩm của mình, từ đó giúp người dùng có một cuộc sống giản dị nhưng thoải mái hơn.
"Nguyên tắc của Muji không chỉ nằm ở giá cả, không phải ở chất lượng, cũng không chỉ riêng thiết kế - Muji hợp thành từ tất cả yếu tố đó" là triết lý của công ty gia dụng Nhật Bản.
Sự đơn giản, tinh tế... trong sản phẩm không đủ giúp Muji Mỹ vượt qua được đại dịch COVID-19
Nộp đơn xin phá sản, Muji Mỹ đã gia nhập hơn 110 công ty tuyên bố phá sản ở Mỹ từ đầu năm tới nay chủ yếu do đại dịch COVID-19. Một nguyên nhân quan trọng khác chính là sự đi xuống của ngành bán lẻ truyền thống trong bối cảnh thương mại điện tử ngày càng trở nên phổ biến.
Không chỉ tại Mỹ, doanh thu của các cửa hàng Muji ở Nhật Bản sụt giảm một nửa khi nước này ban bố tình trạng khẩn cấp suốt tháng 4 và tháng 5.
Trong năm tài chính vừa qua, doanh thu của Muji Mỹ với 19 cửa hàng chiếm khoảng 2,5% doanh thu của Ryohin Keikaku. Chi nhánh tại xứ cờ hoa cũng đã làm ăn bết bát trong năm ngoái với khoản lỗ khoảng 10 triệu USD như trong tuyên bố phá sản.
Mặc dù phát triển nhanh chóng trong thập kỷ qua nhưng việc mở rộng tại thị trường quốc tế tập trung vào Trung Quốc khiến Muji gặp nhiều khó khăn. Các sản phẩm tối giản ở đất nước tỷ dân dễ dàng bị bỏ qua vì hàng nhái có giá rẻ hơn nhiều lần tràn lan thị trường.
Cơn bão COVID-19 càng làm mọi thứ trở nên khó khăn. Tuần trước, Ryohin Keikaku đã báo cáo thua lỗ lần đầu tiên sau hơn một thập kỷ.
Đầu tháng 7 vừa qua, Muji tuyên bố chuẩn bị mở cửa hàng đầu tiên tại Việt Nam
Đầu tháng 7, trong thông báo trên trang fanpage chính thức của chuỗi bán lẻ Muji, tập đoàn ở Nhật Bản đang chuẩn bị mở cửa hàng trải nghiệm đầu tiên tại Việt Nam tại tầng 1 của trung tâm thương mại Parkson Saigon Tourist Plaza, TP.HCM. Bên cạnh thị trường Nhật Bản, chuỗi Muji đã hiện diện ở vài quốc gia Đông Nam Á khác Singapore, Malaysia, Thái Lan, Philippines, Indonesia.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!