Trồng lúa giảm phát thải, nông dân "trúng đậm"

Ban Thời sự-Chủ nhật, ngày 14/07/2024 12:46 GMT+7

VTV.vn - Tham gia sản xuất lúa chất lượng cao, giảm phát thải, lợi nhuận của bà con tăng thêm cao nhất 6,2 triệu đồng/ha.

Tiềm năng của hạt lúa giảm phát thải

Những tấn lúa giảm phát thải đầu tiên của khu vực ĐBSCL đã được thu hoạch tại TP Cần Thơ. Chưa đề cập đến yếu tố môi trường, mô hình hay nói đúng hơn là cách làm mới trong sản xuất đã giúp bà con nông dân "trúng đậm" cả về năng suất lẫn giá bán và quan trọng hơn, ngay từ đầu vụ, lúa đã được bao tiêu.

Gần 50 ha lúa của Hợp tác xã Tiến Thuận đã được bao tiêu, dù hôm nay mới là ngày thu hoạch. Giá lúa bán theo thị trường, cộng thêm 300 đồng mỗi kg nếu đạt chất lượng. Không chỉ vụ Hè Thu này, mà 2 vụ tới là Thu Đông và Đông Xuân, bà con xã viên cũng không phải lo đầu ra.

Ông Lê Hải Triều - Công ty Hoàng Minh Nhật co biết: "Tham gia chương trình thì lượng lúa chúng tôi mang về đạt chất lượng mà khách hàng mong muốn. Thứ hai nữa là góp phần bảo vệ môi trường, giảm phát thải khí nhà kính và nâng cao thu nhập cho bà con nông dân".

"Những công ty xuất khẩu gạo đánh giá cao về sự đồng đều, tăng chất lượng gạo xuất khẩu. Tới đây sẽ có nhiều doanh nghiệp quan tâm xây dựng thương hiệu cho gạo từ qui trình này", ông Trần Trương Tấn Tài - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Lúa gạo Việt Nam chia sẻ.

Trồng lúa giảm phát thải, nông dân trúng đậm - Ảnh 1.

Tham gia sản xuất lúa chất lượng cao, giảm phát thải, lợi nhuận của bà con tăng thêm cao nhất 6,2 triệu đồng/ha. Ảnh minh họa - Ảnh: VOV.

Tham gia sản xuất lúa chất lượng cao, giảm phát thải, nông dân giảm 50% lượng giống, giảm 30% lượng phân bón trên mỗi ha. Trong khi đó năng suất vẫn cao hơn ruộng đối chứng, đạt từ 6,1 - 6,5 tấn/ha. Từ đây, lợi nhuận của bà con tăng thêm cao nhất 6,2 triệu đồng/ha.

Ông Trần Thái Nghiêm - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Cần Thơ cho biết: "Chúng tôi đang phát triển mô hình theo hướng là hình thành hệ sinh thái doanh nghiệp, bao gồm cả doanh nghiệp cung ứng giống, vật tư đầu vào như phân bón, thuốc trừ sâu; doanh nghiệp cơ khí phục vụ làm đất, thu hoạch và doanh nghiệp chuyển đổi số để gắn kết các thành phần trong chuỗi".

"Chúng ta phải giới thiệu được sản phẩm của mình đạt những yêu cầu về an toàn thực phẩm, về chất lượng, thị hiếu tiêu dùng thì chúng ta sẽ bán được lúa ổn định hơn, với giá trị cao hơn", ông Lê Thanh Tùng - Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết.

Hàng năm TP Cần Thơ sản xuất 3 vụ lúa với sản lượng hơn 1,3 triệu tấn. Hiện những diện tích đăng kí tham gia Đề án 1 triệu ha đã có những chuyển biến về qui trình, phương thức liên hết. Đó là đã có 34 tổ hợp tác của nông dân được thành lập, liên kết với 8 doanh nghiệp để sản xuất và tiêu thụ được gần 26.000 ha.

Lan tỏa phương thức sản xuất mới

Mô hình canh tác láu giảm phát thải sẽ giúp giảm từ 2 - 6 tấn CO2/ha so với ruộng đối chứng. Chính vì thế trong tương lai, bà con sẽ có thêm nguồn thu nhập từ việc bán tín chỉ này. Đó cũng là lí do mà các địa phương cũng như nông dân tích cực hưởng ứng Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp.

Hợp tác xã Thắng Lợi, Đồng Tháp là nơi triển khai Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp với sự tham gia của 24 nông hộ liền kề. Từ vụ Thu Đông, kéo dài trong 3 vụ liên tiếp, bà con tham gia mô hình sẽ tuân theo qui trình hướng dẫn nghiêm ngặt.

Ông Nguyễn Văn Hùng - Giám đốc HTX Thắng Lợi, Đồng Tháp nói: "Chúng tôi đang thực hiện Đề án SRP, ghi chép sổ sách ngoài đồng ruộng và đang tiến tới ghi chép bằng điện thoại".

"Chúng ta đặt một dấu mốc, xem đây là bắt đầu tập trung cho sự hành động của bà con nông dân tỉnh Đồng Tháp, những người trồng lúa, cho các doanh nghiệp, hợp tác xã và các thành phần có liên quan cùng nhau hành động xây dựng 1 chuỗi ngành hàng lúa gạo", ông Nguyễn Văn Vũ Minh - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp cho biết.

Đồng Tháp đặt ra mục tiêu đến hết năm nay, sẽ có khoảng 28.500 ha diện tích tham gia đề án. Đến năm 2025, diện tích sẽ đạt khoảng 69.000 ha sản xuất lúa chất lượng cao, phát thải thấp. Trước mắt sẽ hướng nông dân giảm lượng giống xuống khoảng 80 kg/ha, giảm 20% lượng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật và nước tưới.

Trồng lúa giảm phát thải, nông dân trúng đậm - Ảnh 2.

Mô hình canh tác láu giảm phát thải sẽ giúp giảm từ 2 - 6 tấn CO2/ha so với ruộng đối chứng. Ảnh: NLĐ.

Còn trên cánh đồng 50 ha của Hợp tác xã Hưng Lợi, Sóc Trăng, bà con ứng dụng cơ giới hóa với nhiều phương thức như sạ hàng, vùi phân.

"Tập huấn cho bà con nông dân về quy trình canh tác rồi sử dụng phân bón đều dựa trên quy trình kỹ thuật. Trước đã có quy trình "1 phải 5 giảm" nên cái này cũng dễ, không khó với bà con", ông Nguyễn Văn Hùng - Giám đốc HTX nông nghiệp Hưng Lợi, Sóc Trăng chia sẻ.

Ông Trần Tấn Phương - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng cho biết: "Phối hợp với nhiều đơn vị trực thuộc Bộ, các công ty, các viện để triển khai nhiều kỹ thuật khác nhau ví dụ như các thiết bị để đo đếm giảm phát thải nhà kính, đo đếm mực nước rồi tiết kiệm phân".

Sau lễ công bố và phát độngĐề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp đến tháng 5 năm nay đã có 5 tỉnh khu vực ĐBSCL đăng kí với diện tích 640 ha lúa chất lượng cao, giảm phát thải theo đề án. Hơn ai hết, chính những thay đổi trên cánh đồng sẽ đáp ứng mong đợi của người trồng lúa từ lâu nay. Đó là thu nhập cao hơn, môi trường trong sạch hơn và đóng góp chung vào mục tiêu của thế giới về chống biến đổi khí hậu.

Bước đầu thành công của Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp

Hiện nay, dù là bước khởi đầu của Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp nhưng đã có được những thành công nhất định. Đây sẽ là tiền đề để mục tiêu của Chính phủ cũng như bà con nông dân sớm trở thành hiện thực.

Ông Trần Thanh Nam - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thông tin: "Trước hết là Ngân hàng Thế giới rất đồng hành; thứ hai nữa là Viện nghiên cứu lúa quốc tế IRRI. Họ xác định đây là mô hình trồng lúa chất lượng cao, phát thải thấp đầu tiên trên thế giới. Ngân hàng Thế giới xác định đây là mô hình trọng điểm ở vùng châu Á - Thái Bình Dương nên được các tổ chức quốc tế, Đại sứ quán các nước và doanh nghiệp rất là quan tâm".

"Đây là điều thật tuyệt vời khi chúng tôi đến thăm ĐBSCL. Tôi rất ấn tượng về sự nhiệt tình của nông dân khi tham gia mô hình này. Không chỉ ở mô hình sản xuất lúa mà ở cả mô hình tuần hoàn nông nghiệp từ rơm. Tôi đến đây nhìn thấy được sự kết hợp tuyệt vời giữa công nghệ sạ hàng khí động với công nghệ vùi phân", bà Yvonne Pinto - Tổng Giám đốc Viện Nghiên cứu Lúa gạo quốc tế chia sẻ.

"Biện pháp này giúp người dân giảm được chi phí, bảo vệ môi trường, đồng thời giảm sức lao động của người nông dân và tạo ra nhiều lợi ích. Với những biện pháp như thế này thì chúng tôi sẽ nghiên cứu để áp dụng vào nông nghiệp ở Philippines", ông Francisco P.Tiu Laurel - Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Philippines đánh giá.

Tín hiệu khả quan từ mô hình lúa giảm phát thải Tín hiệu khả quan từ mô hình lúa giảm phát thải

VTV.vn - Thành phố Cần Thơ có 38.000 ha lúa thực hiện theo dự án VnSAT. Đây là nền tảng thuận lợi để địa phương triển khai thí điểm đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước