Trong tháng 6 sẽ giải ngân hơn 5.200 tỷ đồng cho cao tốc Bắc - Nam

P.V-Thứ năm, ngày 01/06/2023 11:07 GMT+7

VTV.vn - Theo đánh giá của Vụ Kế hoạch - Đầu tư (Bộ GTVT) trong 5 tháng đầu năm 2023, việc giải ngân của các dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam cơ bản đáp ứng tiến độ yêu cầu.

Theo báo cáo của Vụ Kế hoạch - Đầu tư (Bộ Giao thông Vận tải), kế hoạch giải ngân tháng 6, các chủ đầu tư/ban quản lý dự án đăng ký kế hoạch giải ngân cho các dự án thành phần đường bộ cao tốc Bắc - Nam khoảng 5.229 tỷ đồng; trong đó giai đoạn 1 là 1.662 tỷ đồng, giai đoạn 2 là 3.567 tỷ đồng.

Về kết quả giải ngân từ đầu năm đến nay, báo cáo của Vụ Kế hoạch - Đầu tư cho hay, ước tính hết tháng 5, Bộ Giao thông Vận tải giải ngân khoảng 28.600 tỷ đồng, đạt khoảng 30% kế hoạch năm (cao hơn tỷ lệ giải ngân trung bình của cả nước; tỷ lệ trung bình cả nước khoảng 15,65%); trong đó các dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giải ngân đạt 21.075 tỷ đồng, bao gồm các dự án thành phần giai đoạn 1 (2017-2020) giải ngân đạt 5.705 tỷ đồng đạt 33,5% kế hoạch năm; giai đoạn 2 (2021-2025) giải ngân đạt 15.370 tỷ đồng, đạt 33,8% kế hoạch năm.

Theo đánh giá của Vụ Kế hoạch - Đầu tư, trong 5 tháng đầu năm 2023, việc giải ngân của các dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam cơ bản đáp ứng tiến độ yêu cầu. Cụ thể, giai đoạn 1 giải ngân đạt 110% kế hoạch các ban quản lý dự án đăng ký giải ngân hết tháng 5/2023. Tuy nhiên, vẫn còn một số dự án chậm so với kế hoạch vốn đăng ký như: đoạn Quốc lộ 45 - Nghi Sơn; đoạn Nghi Sơn - Diễn Châu; đoạn Cam Lộ - La Sơn; đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt.

Trong tháng 6 sẽ giải ngân hơn 5.200 tỷ đồng cho cao tốc Bắc - Nam - Ảnh 1.

Trong tháng 6 sẽ giải ngân hơn 5.200 tỷ đồng cho cao tốc Bắc - Nam. Ảnh minh họa.

Đối với giai đoạn 2, các ban quản lý dự án chỉ giải ngân đạt 87,5% kế hoạch vốn hết tháng 5/2023; trong đó một số dự án chậm so với kế hoạch đăng ký như: đoạn Bãi Vọt - Hàm Nghi; đoạn Hàm Nghi - Vũng Áng; đoạn Bùng - Vạn Ninh; đoạn Vân Phong - Nha Trang.

Năm 2023, Bộ Giao thông Vận tải được Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch vốn 94.161 tỷ đồng. Đây là giá trị vốn được giao lớn nhất của Bộ Giao thông Vận tải từ trước tới nay. Theo nhìn nhận của lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải và các chuyên gia kinh tế, việc “tiêu” hết nguồn vốn được bố trí là nhiệm vụ vô cùng khó khăn, cần có những cách làm, giải pháp đột phá.

Theo nhìn nhận của các chuyên gia kinh tế, với việc ước tính hết tháng 5 mới giải ngân được khoảng 28.600 tỷ đồng, đạt khoảng 30% kế hoạch năm, thì việc giải ngân hết nguồn vốn trong 7 tháng còn lại của năm là nhiệm vụ vô cùng khó khăn, thách thức đối với Bộ Giao thông Vận tải, đặc biệt trong điều kiện tổ chức triển khai các dự án vẫn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Ngoài nguyên nhân nguyên vật liệu tăng đột biến có thể dẫn đến thiếu hụt nguồn cung khi Bộ Giao thông Vận tải đang triển khai đồng loạt nhiều dự án có quy mô lớn tập trung tại một số khu vực, thì các chuyên gia cũng cho rằng, vấn đề giải phóng mặt bằng, mặc dù đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm chỉ đạo, các địa phương tích cực thực hiện, nhưng vẫn luôn là công việc phức tạp, quá trình thực hiện có thể phát sinh nhiều vấn đề ảnh hưởng tới tiến độ triển khai dự án.


* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước