Trung Quốc cam kết rót 50,7 tỷ USD cho châu Phi

Kate Trần-Thứ hai, ngày 09/09/2024 09:27 GMT+7

VTV.vn - Trung Quốc vừa cam kết cung cấp 50,7 tỷ USD dưới dạng tín dụng và đầu tư cho châu Phi.

Tài trợ cho 30 dự án cơ sở hạ tầng nhằm cải thiện liên kết thương mại

Trung Quốc đã không cung cấp khoản xóa nợ mà nhiều nước châu Phi yêu cầu, nhưng đã cam kết cung cấp 360 tỷ nhân dân tệ (tương đương 50,7 tỷ USD) trong ba năm dưới dạng tín dụng và đầu tư.

Trung Quốc cam kết rót 50,7 tỷ USD cho châu Phi - Ảnh 1.
Diễn đàn Hợp tác Trung Quốc - Châu Phi (FOCAC) ra mắt năm 2000 đã đóng vai trò quan trọng hơn sau khi Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường (BRI) của Chủ tịch Tập Cận Bình được khởi động vào năm 2013, nhằm mục đích tái tạo Con đường Tơ lụa cổ đại cho nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và là quốc gia cho vay song phương lớn nhất của Châu Phi.

Hasnain Malik của Tellimer cho biết, Trung Quốc đang quay trở lại vị trí dẫn đầu trong việc triển khai vốn ở nước ngoài tại các thị trường mới nổi. Và mức vốn triển khai hiện vẫn chưa đạt đến con số trước khi xảy ra đại dịch Covid - 19.

Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng tìm cách sử dụng FOCAC để chống lại sự cạnh tranh ngày càng tăng ở Châu Phi từ Hoa Kỳ, Liên minh Châu Âu, Nhật Bản và các nước khác.

Thực tế cho thấy, mức cam kết tài chính mới vừa được công bố lớn hơn những gì Bắc Kinh đã hứa tại FOCAC lần trước vào năm 2021. Song, rõ ràng vẫn thấp hơn mức 60 tỷ USD của năm 2015 và 2018 - thời kỳ đỉnh cao của hoạt động cho vay đối với châu Phi theo Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường.

Trong những năm đỉnh cao đó, Bắc Kinh đã tài trợ cho việc xây dựng đường bộ, đường sắt và cầu. Nhưng việc cạn kiệt nguồn vốn kể từ năm 2019 đã khiến Châu Phi phải đình trệ các dự án xây dựng.

Đáng chú ý, Trung Quốc cho biết, khoản tiền hơn 50 tỷ USD tài trợ mới sẽ được dùng cho 30 dự án cơ sở hạ tầng nhằm cải thiện liên kết thương mại.

Châu lục gồm 54 quốc gia với hơn 1 tỷ người này có mức thâm hụt ngân sách cơ sở hạ tầng hàng năm ước tính lên tới 100 tỷ USD và cần các tuyến giao thông để hiện thực hóa khối thương mại toàn châu Phi khổng lồ (AfCFTA).

Trong những năm gần đây, Trung Quốc đã cắt giảm tài trợ cho các dự án như vậy vì họ chuyển hướng tập trung vào các dự án "nhỏ và đẹp", chủ yếu là do áp lực kinh tế trong nước và sự gia tăng rủi ro nợ ở các nước châu Phi.

Trung Quốc cam kết rót 50,7 tỷ USD cho châu Phi - Ảnh 3.

Khi được hỏi những cam kết mới này phù hợp như thế nào với chiến lược cho vay nước ngoài thận trọng hiện tại của Trung Quốc, một phát ngôn viên của Bộ ngoại giao cho biết không có mâu thuẫn nào.

Trong khi đó, Mao Ninh - người phát ngôn Bộ Ngoại giao phát biểu tại cuộc họp báo thường kỳ vào cuối tuần qua rằng, sự hợp tác giữa Trung Quốc và các nước châu Phi, bao gồm cả việc thực hiện cụ thể các dự án, đã được cả hai bên thảo luận và quyết định.

Quan tâm đến nhiều dự án xanh

Trung Quốc cũng cho biết thêm sẽ khởi động 30 dự án năng lượng sạch ở Châu Phi, đề xuất hợp tác về công nghệ hạt nhân và giải quyết tình trạng thiếu điện đang làm chậm trễ những nỗ lực công nghiệp hóa.

Trung Quốc cam kết rót 50,7 tỷ USD cho châu Phi - Ảnh 4.

Trung Quốc tăng cường đầu tư vào châu Phi

Goolam Ballim, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu tại Ngân hàng Standard của Nam Phi cho biết, kết quả của hội nghị thượng đỉnh FOCAC báo hiệu động lực cho các dự án xanh và đặc biệt là các dự án lắp đặt năng lượng tái tạo. "Trung Quốc đã trở thành quốc gia dẫn đầu toàn cầu về năng lượng gió và năng lượng mặt trời, kiểm soát chuỗi cung ứng quan trọng và giảm chi phí sản xuất", Ballim cho biết thêm.

Được biết, một số nhà lãnh đạo châu Phi hy vọng đạt được những thỏa thuận lớn cho đất nước nên đã phải chấp nhận một số thỏa thuận "đôi bên cùng có lợi" với Trung Quốc. Ví như Ethiopia và Mauritius đã công bố các đường dây hoán đổi tiền tệ mới với ngân hàng trung ương Trung Quốc. Kenya cho biết họ đã đạt được tiến triển trong các cuộc đàm phán nhằm mở lại các khoản vay cho các dự án quan trọng như tuyến đường sắt hiện đại để kết nối khu vực...

Tuy nhiên, vẫn có nhiều lãnh đạo tỏ ra lạc quan khi họ hoan nghênh các cam kết ngày càng tăng của Trung Quốc đối với an ninh, các thách thức nhân đạo và các vấn đề phi tài chính khác của Châu Phi. "Sau gần 70 năm nỗ lực, quan hệ Trung Quốc - Châu Phi đang ở giai đoạn tốt nhất trong lịch sử", Tổng thống Tanzania Samia Suluhu chia sẻ trên tài khoản X của mình.

Lâu nay, Trung Quốc đã cho các nước tại châu Phi mượn nhiều tỷ USD để phục vụ các dự án về đường sá, đường sắt, bến cảng và các dự án hạ tầng lớn khác. Trung Quốc đã cung cấp hỗ trợ tài chính cho châu Phi kể từ Chiến tranh Lạnh, song sự hiện diện của Bắc Kinh tại khu vực này đã gia tăng nhanh chóng. Các công ty thuộc sở hữu nhà nước Trung Quốc đã mạnh mẽ theo đuổi các hoạt động đầu tư lớn tại châu Phi – nơi nguồn tài nguyên dồi dào đã tiếp lực cho quá trình chuyển đổi của Trung Quốc thành một cường quốc kinh tế./.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước