Trung Quốc "đau đầu" với bài toán tái chế quần áo cũ

Theo VOV-Thứ hai, ngày 02/11/2020 20:46 GMT+7

VTV.vn - Trung Quốc - thị trường tiêu thụ hàng thời trang lớn nhất thế giới - đang “đau đầu” với bài toán tái chế cả núi quần áo cũ.

Người dân Trung Quốc bỏ đi tới 26 triệu tấn quần áo cũ mỗi năm. Trong số đó, chỉ khoảng 1% được tái sử dụng hoặc tái chế. Giải pháp thực tế nhất để thu hẹp "núi" quần áo cũ vô cùng đơn giản, song lại rất khó thực hiện: Mua ít quần áo đi.

Trung Quốc đau đầu với bài toán tái chế quần áo cũ - Ảnh 1.

Có nhiều điểm quyên góp quần áo cũ được đặt khắp các thành phố lớn tại Trung Quốc. Nhưng thực sự có rất ít những món đồ trong đó đến được tay người nghèo, bởi những bộ đồ đó sẽ được bán sang các nước đang phát triển hoặc bị đốt hoặc tống ra bãi rác.

Tại Trung Quốc - một quốc gia có sản lượng áo phông lên tới 5 tỷ chiếc/năm, sẽ thật "mất mặt" nếu như ai đó mặc những bộ đồ cũ. Có hàng triệu tấn quần áo bị thải đi mỗi năm tại quốc gia này. Một tầng lớp trung lưu "chịu chi", kết hợp với đó là sự bùng nổ của lĩnh vực thương mại điện tử, đã biến Trung Quốc trở thành thị trường thời trang lớn nhất trên thế giới, chính thức vượt qua Mỹ trong năm 2019.

Trung Quốc đại lục chiếm tới 1/5 tổng doanh thu toàn cầu của hãng thời trang nổi tiếng Uniqlo. Doanh thu của công ty này tại đây tăng tới gần 27% trong năm tài khóa 2017-2018, đạt hơn 4 tỷ USD. Phần lớn các sản phẩm được người Trung Quốc ưa chuộng là các sản phẩm thời trang nhanh, được sản xuất đại trà, giá cả phải chăng và chất liệu vải vừa phải.

Tác động môi trường của lượng rác thải thời trang là rất lớn. Ngành công nghiệp thời trang thải ra tới 10% lượng carbon toàn cầu, nhiều hơn lượng khí thải từ máy bay và tàu biển cộng lại. Ước tính, việc tái sử dụng 1 kg quần áo sẽ giúp không phát thải 3,6 kg khí CO2, tiết kiệm 6.000 lít nước, 0,3 kg phân bón và 0,2 kg thuốc trừ sâu, nếu đem so sánh với việc sản xuất quần áo từ những nguồn nguyên vật liệu mới.

Một phần nguyên nhân của vấn đề này chính là việc tái chế quần áo tại Trung Quốc không thể tạo ra lợi nhuận, điều được quy định bởi luật pháp. Việc kinh doanh các loại quần áo không phải với mục đích từ thiện bị cấm do những lí do liên quan đến sức khỏe và sự an toàn. Tại Trung Quốc, quần áo đã qua sử dụng thường được coi là không vệ sinh, thậm chí còn là vận rủi. Và đại dịch COVID-19 làm trầm trọng thêm quan điểm đó.

Các sản phẩm quần áo có chất lượng tốt thường được phân loại và bán ra nước ngoài. Kim ngạch xuất khẩu quần áo cũ của Trung Quốc đã chạm ngưỡng 6,4% tổng kim ngạch xuất khẩu loại hàng hóa này trên toàn cầu. Phần nhiều trong số đó có đích đến là châu Phi.

Không lâu trước đó, Trung Quốc là một "nhà nhập khẩu lớn". Tại nhiều thị trấn nhỏ thuộc tỉnh Phúc Kiến và Quảng Đông, việc phân loại và bán quần áo đã qua sử dụng từ các container nhập khẩu "phế liệu nước ngoài" từng là một nghề "ăn nên, làm ra". Nhưng từ năm 2017, Trung Quốc đã chính thức cấm việc nhập khẩu một số chất thải rắn, trong đó có các sản phẩm may mặc, buộc nhiều quốc gia phải tìm các điểm đến mới, hoặc phải đẩy mạnh tái chế tại nguồn.

Phần lớn quần áo bỏ đi tại Trung Quốc có đích đến là các bãi rác, làm trầm trọng hơn vấn đề ô nhiễm môi trường tại quốc gia này. Phần lớn trong tổng số 654 bãi rác khổng lồ tại đây đã được lấp đầy trước kế hoạch.

Nhật Bản: Tái chế nhựa từ quần áo cũ Nhật Bản: Tái chế nhựa từ quần áo cũ

VTV.vn - Chất liệu nhựa, nylon nằm trong quần áo cũ được tách ra để tái chế và cung cấp các sản phẩm mới cho các hãng nổi tiếng của Nhật Bản.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và  VTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước