Theo tin từ Hội đồng châu Âu, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel sẽ hội đàm với Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường bên lề Hội nghị cấp cao Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á ở thủ đô Viêng Chăn (Lào). Cuộc gặp lần này được kỳ vọng sẽ giải quyết những bất đồng giữa Trung Quốc và EU trong bối cảnh căng thẳng thương mại gia tăng giữa hai bên.
Xe điện của Trung Quốc là mặt hàng mới nhất bị EU tuyên bố áp thuế, có thể lên tới mức cao nhất là 45%. Quyết định này có hiệu lực từ ngày 31/10 trừ khi hai bên thương lượng, tìm được giải pháp. Trung Quốc cũng tuyên bố có "các biện pháp chống bán phá giá tạm thời" đối với rượu mạnh (brandy) nhập khẩu từ Liên minh châu Âu (EU).
Mặc dù hai bên có nguy cơ rơi vào một cuộc chiến thuế quan, nhưng các nhà hoạch định chính sách châu Âu cho biết vẫn sẽ tiếp tục đàm phán với Trung Quốc. Trên thực tế, một số quốc gia châu Âu trong đó có Đức, Hungary, Malta, Slovenia và Slovakia phản đối kế hoạch áp thuế lên xe điện Trung Quốc.
Xe điện của Trung Quốc là mặt hàng mới nhất bị EU tuyên bố áp thuế, có thể lên tới mức cao nhất là 45%
Trước đó, ngày 8/10, Liên minh châu Âu (EU) cho biết họ sẽ đệ đơn kiện lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) để phản đối việc Trung Quốc áp đặt biện pháp chống bán phá giá đối với rượu brandy nhập khẩu từ khối này.
Động thái của Trung Quốc được cho là hành động đáp trả Ủy ban châu Âu (EC) sau khi cơ quan này áp thuế nhập khẩu bổ sung đối với xe điện sản xuất tại Trung Quốc.
Người phát ngôn thương mại của EC, ông Olof Gill, nói: "Chúng tôi tin rằng những biện pháp này là vô căn cứ và chúng tôi quyết tâm bảo vệ ngành công nghiệp EU trước sự lạm dụng các công cụ bảo hộ thương mại".
Bộ Thương mại Trung Quốc đã công bố danh sách chi tiết về mức thuế mà mỗi công ty sẽ phải trả, dao động từ 30,6% đối với Martell đến 39% đối với Jas Hennessy và 38,1% đối với Remy Martin.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!