Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam. Đặc biệt, trong 8 tháng đầu năm nay Trung Quốc đã vươn lên trở thành quốc gia có nguồn vốn đầu tư trực tiếp lớn hàng đầu tại Việt Nam.
Còn Việt Nam cũng đang là đối tác thương mại số 1 của Trung Quốc trong ASEAN. Chính quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện là nền tảng quan trọng để quan hệ kinh tế giữa Việt Nam và Trung Quốc ngày càng phát triển mạnh.
Doanh nghiệp Trung Quốc đã đầu tư xây dựng chuỗi sản xuất khép kín pin năng lượng mặt trời đầu tiên ở Việt Nam. Tổng mức đầu tư gần 600 triệu USD. Nửa đầu năm nay doanh nghiệp đạt doanh thu gần 1,4 tỷ USD. Hàng làm ra đến đâu tiêu thụ hết đến đó. Doanh nghiệp hiện tính đến phương án để mở rộng sản xuất tại Việt Nam.
"Thời gian qua, chúng tôi nhận thấy những chính sách thu hút đầu tư của Việt Nam ngày càng hoàn thiện. Điển hình như khâu cải cách hành chính, các thủ tục như cấp phép đầu tư, thành lập doanh nghiệp hay thẩm duyệt báo cáo tác động môi trường đã nhanh hơn rất nhiều so với trước", ông Fan Jing Chao, Tổng Giám đốc Công ty JA Solar Việt Nam, cho biết.
Từ những cục silic, tới những tấm pin năng lượng mặt trời hiện đại, toàn bộ công nghệ và quy trình sản xuất đều được doanh nghiệp thực hiện ngay tại Việt Nam. Doanh nghiệp vừa đưa vào vận hành nhà máy thứ 3 trong năm nay, nâng tổng công suất lên gấp đôi và đang tiếp tục có kế hoạch để nâng lên gấp đôi một lần nữa trong năm tới.
Những dự án thành công như vậy đã giúp số vốn đầu tư từ Trung Quốc vào Việt Nam 8 tháng qua tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ và đưa Trung Quốc trở thành quốc gia dẫn đầu về số dự án mới đầu tư vào Việt Nam.
Nhiều nông sản Việt Nam liên tiếp được xuất khẩu chính chính ngạch vào Trung Quốc, qua đó tăng hiệu quả và tốt tốc độ thông quan hàng hóa tại các cửa khẩu biên giới. (Ảnh: Báo Đầu tư)
Dòng vốn đầu tư từ Trung Quốc cũng có sự thay đổi đáng kể, đa dạng về ngành nghề và lĩnh vực, từ nhà hàng, khách sạn, hàng tiêu dùng đến dệt may, da giày và mở rộng sang các lĩnh vực như công nghệ cao, khu công nghiệp. Mỗi năm, Trung Quốc đầu tư ra nước ngoài hơn trăm tỷ USD nên dư địa để Việt Nam tận dụng dòng vốn này là rất lớn.
"Tìm hiểu đầu tư, khảo sát đầu tư cho tới quyết định đầu tư thì các doanh nghiệp Trung Quốc quyết định rất nhanh. Đồng thời các doanh nghiệp Trung Quốc cũng có sự liên kết mạnh mẽ với các doanh nghiệp Việt Nam để có tính bổ trợ, cho doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi", ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cho hay.
Tính bổ sung lẫn nhau giữa Việt Nam và Trung Quốc còn thể hiện rõ trong cơ cấu xuất nhập khẩu hàng hóa giữa hai nước. Nhiều nông sản Việt Nam liên tiếp được xuất khẩu chính chính ngạch vào Trung Quốc, qua đó tăng hiệu quả và tốt tốc độ thông quan hàng hóa tại các cửa khẩu biên giới.
"Nhập khẩu sang Quảng Tây, 1 - 2 ngày sau là vận chuyển tới Quảng Đông, Thượng Hải rồi phân phối rộng khắp tới phía Bắc đến Bắc Kinh, Thẩm Dương", ông Vương Chính Ba, Chủ tịch Công ty Cung ứng vận tải Vận Đa Quảng Tây, Trung Quốc, cho biết.
"Các cuộc giao lưu gặp gỡ giữa lãnh đạo cấp cao nước ta và Trung Quốc tạo ra một không khí về chính trị rất thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp Trung Quốc. Nhiều nút thắt được tháo gỡ. Thông quan thuận lợi đã được bàn đến và có biện pháp cụ thể. Trung Quốc cam kết nhập nhiều hàng Việt Nam nữa, đặc biệt là nông sản", ông Nguyễn Vinh Quang, Cố vấn Cao cấp Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và Phát triển quan hệ quốc tế, thông tin.
Số lượng các văn phòng xúc tiến thương mại của Việt Nam tại Trung Quốc được mở ra ngày càng nhiều và được đặt ở những vị trí thuận lợi cho kinh doanh. Niềm tin giữa cộng đồng doanh nghiệp hai bên ngày càng lớn. Đây chính là những nền tảng quan trọng để mối quan hệ đối tác kinh tế giữa Việt Nam và Trung Quốc tiếp tục phát triển mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!