Trung Quốc siết chặt nhập khẩu thủy sản, doanh nghiệp Việt phải làm gì?

Thuý Lan-Thứ tư, ngày 09/12/2020 18:00 GMT+7

Ảnh: baomoi

VTV.vn - Ông Ngô Hồng Phong, Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Nông Lâm sản và Thủy sản cho biết, doanh nghiệp cần chuẩn bị sẵn sàng giấy tờ kiểm dịch COVID-19 cho các bên.

Vừa qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có công văn cảnh báo các cơ sở chế biến thủy sản xuất khẩu sang Trung Quốc chủ động liên hệ khách hàng để chuẩn bị, cung cấp các kết quả thực hiện các biện pháp phòng chống COVID-19, kể cả kết quả thẩm tra lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 đối với mẫu bao bì, sản phẩm trước khi xuất khẩu nếu được yêu cầu. Cảnh báo trên được Bộ Nông nghiệp đưa ra ngay sau khi phía Trung Quốc yêu cầu Việt Nam bổ sung nội dung chứng nhận áp dụng hiệu quả biện pháp phòng chống COVID-19 cũng như kiểm tra trực tuyến điều kiện an toàn thực phẩm của một số doanh nghiệp chế biến thủy sản vào Trung Quốc. 

Phóng viên VTV Digital đã có cuộc trao đổi nhanh với ông Ngô Hồng Phong, Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Nông Lâm sản và Thủy sản (Nafiqad, Bộ NN&PTNT) để làm rõ các vấn đề trên:

PV: Ông đánh giá thế nào về việc phía nước bạn Trung Quốc tăng cường siết chặt kiểm tra thủy sản đông lạnh nhập khẩu từ Việt Nam?

Ông Ngô Hồng Phong, Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản (Nafiqad, Bộ NN&PTNT): Trong bối cảnh tình hình dịch bệnh COVID-19 vẫn đang tiếp tục diễn biến phức tạp trên thế giới, Trung Quốc đã áp dụng biện pháp đang tăng cường kiểm soát sản phẩm thực phẩm nhập khẩu từ tất cả các nước nói chung chứ không chỉ đối với sản phẩm thủy sản của Việt Nam, trong đó bao gồm cả việc kiểm tra, lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 đối với bên ngoài bao bì và cả sản phẩm.

Chính do các hoạt động kiểm soát tăng cường này nên thời gian để kiểm tra và làm thủ tục thông quan cho các lô hàng nhập khẩu vào Trung Quốc kéo dài hơn so với trước đây, gia tăng chi phí phát sinh từ kiểm hàng, lưu công, lưu bãi, đặc biệt đối với hàng đông lạnh.

Trung Quốc siết chặt nhập khẩu thủy sản, doanh nghiệp Việt phải làm gì? - Ảnh 1.

Các cơ sở chế biến thủy sản xuất khẩu sang Trung Quốc chủ động liên hệ khách hàng để chuẩn bị, cung cấp các kết quả thực hiện các biện pháp phòng chống COVID-19.

PV: Cục Quản lý chất lượng Nông Lâm sản và Thủy sản (Cục QLCL NLS&TS) có cảnh báo như thế nào đối với các doanh nghiệp thủy sản trong việc tuân thủ các điều kiện phòng chống COVID-19?

Ông Ngô Hồng Phong: Ngay từ khi có các diễn biến phức tạp về dịch bệnh COVID-19 trên thế giới, phía Bộ NN&PTNT, Cục QLCL NLS&TS đã có các văn bản gửi các Hiệp hội ngành hàng nông lâm thủy sản, văn bản gửi các doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu và Hiệp hội Chế biến thủy sản xuất khẩu (VASEP) đề nghị tuân thủ đúng hướng dẫn FAO-WHO về các biện pháp phòng chống COVID-19 trong nhà máy chế biến thực phẩm. Đồng thời, Bộ NN&PTNT cũng đã có văn bản thông báo tới Tổng cục Hải quan Trung Quốc về các kết quả tích cực mà Việt Nam cũng như các doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu đã thực hiện trong việc phòng chống COVID-19.

Tiếp theo, ngay khi có thông tin về việc Trung Quốc tăng cường kiểm soát COVID-19 với thực phẩm nhập khẩu, đồng thời họ đề nghị kiểm tra trực tuyến các doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu Việt Nam vào thị trường này, trong đó có nội dung về các biện pháp phòng chống COVID-19 tại doanh nghiệp, ngày 4/12/2020, Bộ NN&PTNT đã có văn bản số 8471/BNN-QLCL gửi các doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu sang Trung Quốc và Hiệp hội VASEP hướng dẫn doanh nghiệp chủ động thực hiện các nội dung cần thiết nhằm tạo thuận lợi cho thông quan cũng như hạn chế khó khăn, rủi ro khi xuất khẩu thủy sản vào thị trường này. Theo đó, doanh nghiệp cần:

1. Nghiêm túc thực hiện các biện pháp kiểm soát, phòng chống COVID-19 của Chính phủ, Bộ Y tế; hướng dẫn của FAO-WHO theo chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; lưu trữ đầy đủ hồ sơ, bằng chứng về kết quả thực hiện và sẵn sàng cung cấp cho Cơ quan thẩm quyền Trung Quốc trong trường hợp được đề nghị kiểm tra trực tuyến.

2. Chủ động liên hệ với khách hàng/nhà nhập khẩu Trung Quốc để chuẩn bị, cung cấp kết quả thực hiện các biện pháp phòng chống COVID-19 tại doanh nghiệp, kể cả kết quả thẩm tra lấy mẫu xác xuất xét nghiệm COVID-19 đối với mẫu bao bì, sản phẩm trước khi xuất khẩu khi được yêu cầu. Trong trường hợp cần thiết, doanh nghiệp đề nghị Ban chỉ đạo, phòng chống dịch bệnh COVID-19 tỉnh/thành phố cung cấp xác nhận tình hình kiểm soát dịch bệnh trên địa bàn và hiệu quả các biện pháp phòng chống COVID-19 mà doanh nghiệp đã triển khai.

PV: Thực tế việc chấp hành các quy định này từ phía các doanh nghiệp chế biến thủy sản của ta như thế nào?

Ông Ngô Hồng Phong: Theo thông tin chúng tôi nhận được cho đến nay, tại Việt nam chưa phát hiện trường hợp lây nhiễm COVID-19 nào tại các nhà máy chế biến thủy sản. Điều này cho thấy, các doanh nghiệp chế biến thủy sản Việt Nam đang tuân thủ tốt các chỉ đạo của Chính phủ, Ban chỉ đạo quốc gia và Bộ Y tế,  của Bộ NN&PTNT cũng như tuân thủ đúng hướng dẫn FAO-WHO về các biện pháp phòng chống COVID-19 trong nhà máy chế biến thực phẩm.

Hiện nay, Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản đang tiếp tục trao đổi với phía Trung Quốc về việc chứng nhận liên quan đến COVID-19 đối với lô hàng thủy sản xuất khẩu sang Trung Quốc và đề nghị phía Trung Quốc giảm thiểu việc kiểm tra, lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 khi kiểm tra các lô hàng nhập khẩu từ doanh nghiệp Việt Nam có các bằng chứng, hồ sơ xác nhận/chứng nhận hiệu quả các biện pháp phòng chống COVID-19 của Cơ quan y tế có thẩm quyền Việt Nam.

Trung Quốc siết chặt nhập khẩu thủy sản, doanh nghiệp Việt phải làm gì? - Ảnh 2.

Bộ NN&PTNT đã tiếp tục có văn bản gửi các doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu sang Trung Quốc và Hiệp hội VASEP yêu cầu tăng cường kiểm soát các lô hàng thủy sản xuất khẩu sang Trung Quốc.

PV: Trước thông tin cảnh báo về tôm đông lạnh của Việt Nam nhiễm nhiễm bệnh đốm trắng, bệnh hoại tử dưới vỏ và cơ quan tạo máu và một số chỉ tiêu an toàn thực phẩm, để khắc phục điều này, ông có lưu ý gì đối với doanh nghiệp thủy sản?

Ông Ngô Hồng Phong: Cũng tại văn bản số 8471/BNN-QLCL ngày 4/12/2020 gửi các doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu sang Trung Quốc và Hiệp hội VASEP, Bộ NN&PTNT cũng đã hướng dẫn doanh nghiệp chủ động đảm bảo chất lượng hàng hóa, kiểm soát chặt chẽ an toàn thực phẩm và an toàn dịch bệnh thủy sản, giữ vững uy tín sản phẩm thủy sản Việt Nam khi xuất khẩu vào thị trường này.

Trong chiều 8/12, Bộ trưởng NNPTNT Nguyễn Xuân Cường đã chủ trì Hội nghị trực tuyến với Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Trung Quốc để thúc đẩy thương mại nông lâm thủy sản giữa hai nước, trong đó có nội dung trao đổi về việc phối hợp kiểm soát, chất lượng an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh thủy sản xuất khẩu sang Trung Quốc. Ngay sau cuộc họp này, để giảm thiểu các cảnh báo và tránh khả năng bị cơ quan thẩm quyền Trung Quốc áp dụng các biện pháp kiểm soát nhập khẩu nghiêm ngặt hơn, Bộ NN&PTNT đã tiếp tục có văn bản gửi các doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu sang Trung Quốc và Hiệp hội VASEP yêu cầu tăng cường kiểm soát các lô hàng thủy sản xuất khẩu sang Trung Quốc.

Theo đó, doanh nghiệp cần:

- Chủ động rà soát chương trình quản lý chất lượng, thiết lập, thực hiện các biện pháp phù hợp để kiểm soát hiệu quả an toàn thực phẩm và an toàn dịch bệnh đối với các lô hàng thủy sản xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc.

- Trong đó, riêng đối với các chỉ tiêu dịch bệnh trên tôm, cần thu thập thông tin liên quan đến tình hình dịch bệnh trên tôm tại các vùng thu hoạch ở địa phương để nhận diện và có biện pháp kiểm soát dịch bệnh phù hợp, hiệu quả.

Tính đến hết tháng 10 giá trị xuất khẩu thủy sản của Việt Nam vào Trung Quốc đạt gần 1 tỷ USD Trung Quốc tiếp tục là một trong 4 thị trường lớn nhất của thủy sản của Việt Nam. Trong năm 2020 phía Trung Quốc đã cảnh báo cho phía Việt Nam 17 lô hàng thủy sản vi phạm điều kiện về an toàn thực phẩm.

PV: Xin cảm ơn những chia sẻ của ông.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước