Trung Quốc vươn lên dẫn đầu số dự án đầu tư mới tại Việt Nam

Kate Trần-Chủ nhật, ngày 28/07/2024 21:23 GMT+7

Doanh nghiệp sản xuất xe điện 2 bánh Yadea tăng cường mở rộng đầu tư ở Việt Nam

VTV.vn - Thời gian qua, vượt mặt Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore…Trung Quốc dẫn đầu số dự án đầu tư FDI mới vào Việt Nam. Các doanh nghiệp đất nước tỷ dân này đang ồ ạt vào nước ta.

Vượt Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore…Trung Quốc dẫn đầu số dự án đầu tư FDI mới 

Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, có 91 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam trong 7 tháng năm 2024. 

Trong đó, nếu xét về số dự án, Trung Quốc là đối tác dẫn đầu về số dự án đầu tư mới vào nước ta, chiếm tới 29,7%. Thời gian qua, đầu tư của Trung Quốc vào Việt Nam đã tăng hơn 7 lần và trở thành nhà đầu tư lớn thứ 6/146 đối tác đầu tư của Việt Nam.

Chính phủ Việt Nam rất khuyến khích và mong muốn các nhà đầu tư Trung Quốc tăng cường đầu tư vào Việt Nam. Tại cuộc tọa đàm với các doanh nghiệp Trung Quốc tiêu biểu trong lĩnh vực phát triển kinh tế xanh, kinh tế số hồi tháng 5/2024, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, Chính phủ Việt Nam luôn khuyến khích các doanh nghiệp Trung Quốc mở rộng hợp tác, tăng cường đầu tư vào các lĩnh vực Trung Quốc có thế mạnh, Việt Nam nhu cầu và ưu tiên cao, như đổi mới sáng tạo, tăng trưởng xanh, chuyển đổi số, năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, đô thị thông minh, công nghiệp chế tạo chất lượng cao, xây dựng hạ tầng giao thông đường bộ, đường sắt, y tế, giáo dục…, xây dựng và triển khai các dự án hợp tác cụ thể trong khuôn khổ các cơ chế hợp tác song phương đã thiết lập và các cơ chế hợp tác đa phương hai bên cùng tham gia.

Trong đó, Thủ tướng mong muốn các doanh nghiệp lớn, có năng lực, uy tín của Trung Quốc cùng hợp tác để sớm có những dự án lớn, công nghệ cao, tiêu biểu cho trình độ phát triển của Trung Quốc và phù hợp với nhu cầu của Việt Nam, áp dụng các mô hình kinh doanh bền vững trong lĩnh vực kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tri thức, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, tạo điều kiện các doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng của các tập đoàn, của khu vực, toàn cầu.

Doanh nghiệp Trung Quốc ồ ạt đầu tư vào Việt Nam

Năm 2023, các nhà đầu tư Trung Quốc đã đăng ký đầu tư vào Việt Nam tới 4,47 tỷ USD, tăng 77,6% so với năm 2022. Ngoài ra, 707 dự án mới, 179 dự án điều chỉnh vốn và 412 lượt góp vốn, mua cổ phần đã được các nhà đầu tư Trung Quốc đăng ký vào Việt Nam.

Theo các chuyên gia kinh tế, kể từ năm 2019, trong bối cảnh quan hệ thương mại giữa Trung Quốc với Hoa Kỳ trở nên căng thẳng và tốc độ phát triển Kinh Trung Quốc chậm lại, các nhà đầu tư Trung Quốc bắt đầu tìm kiếm cơ hội tại Việt Nam. 

Thống kê cho thấy, dòng vốn đầu tư từ Trung Quốc vào Việt Nam tăng mạnh từ 2,92 tỷ USD năm 2021 lên 4,47 tỷ USD trong năm 2023.

Đặc biệt, trong xu hướng chung của dòng đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, một điểm không thể không nhắc tới là việc các nhà đầu tư Trung Quốc thời gian gần đây đã tăng tốc đầu tư vào Việt Nam. Xu hướng này có lẽ mạnh hơn rất nhiều từ năm ngoái, sau khi Trung Quốc bãi bỏ chính sách Zero Covid. 

Trao đổi với phóng viên VTV Times, ông Chu Công - Đại diện Công ty thang máy Fuji ở Giang Tô - Trung Quốc cho biết, Việt Nam được cộng đồng doanh nghiệp Trung Quốc đánh giá là lựa chọn hàng đầu về đầu tư ở khu vực ASEAN. Các công ty công nghiệp ở Trung Quốc vào Việt Nam rất nhiều để tìm kiếm cơ hội liên kết sản xuất, thông qua đó tạo một chuỗi cung ứng khép kín trong sản xuất và kinh doanh tại thị trường Việt Nam.

Trung Quốc vươn lên dẫn đầu số dự án đầu tư mới tại Việt Nam - Ảnh 2.

Nhiều doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Trung Quốc vàoViệt Nam

Đặc biệt, về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh thêm với báo giới về xu hướng tăng tốc đầu tư vào Việt Nam của các nhà đầu tư Trung Quốc. Theo đó, điều tích cực là cùng với việc tăng tốc đầu tư vào Việt Nam, đã xuất hiện nhiều tập đoàn có quy mô quốc tế trong các lĩnh vực công nghệ, điện - điện tử, chế biến, chế tạo, hạ tầng cơ sở, năng lượng tái tạo, xe điện… đăng ký đầu tư vào Việt Nam.

Dòng đầu tư gia tăng mạnh mẽ vào công nghiệp hỗ trợ 

Thực tế cho thấy, nếu trước đây, dòng vốn đầu tư từ Trung Quốc tập trung vào các ngành nghề sản xuất, gia công đồ gỗ gia dụng, sắt thép, các sản phẩm giày da, may mặc, chế biến thực phẩm, bao bì nhựa…thì hiện xu hướng đầu tư của quốc gia này chuyển dịch sang các ngành công nghiệp kỹ thuật cao, linh kiện, phụ tùng cho sản xuất công nghiệp, điện tử, ô tô.

"Doanh nghiệp Trung Quốc rất giỏi trong việc đón bắt các xu hướng kinh tế toàn cầu và đáp ứng nhu cầu của thị trường. Vì vậy, họ luôn thay đổi nhanh chóng để thích nghi, đón đầu. Căng thẳng thương mại Mỹ – Trung đã khiến làn sóng dịch chuyển sản xuất khỏi Trung Quốc của các tập đoàn lớn ngày càng nhiều hơn và các doanh nghiệp Trung Quốc nằm trong chuỗi sản xuất của các tập đoàn này cũng dịch chuyển theo. Đó là lý do dòng đầu tư của các doanh nghiệp Trung Quốc có sự gia tăng mạnh mẽ vào công nghiệp hỗ trợ để cung cấp cho các tập đoàn sản xuất thế giới tại Việt Nam", Tiến sĩ Tô Hoài Nam – Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam chia sẻ.

Tại Triển lãm China Homelife 2024 ở TP Hồ Chí Minh có sự tham gia khoảng 500 doanh nghiệp đến từ 53 tỉnh thành của Trung Quốc. Ông Li Xingqiun, Vụ trưởng Vụ ngoại thương Trung Quốc cho biết, Việt Nam là điểm đến đầu tư lớn trong khối ASEAN. Năm 2023 đầu tư của Trung Quốc vào Việt Nam tăng 68,8% so với cùng kỳ năm trước, đạt 2,2 tỉ đô la. Trung Quốc mong muốn tăng cường hợp tác chuỗi cung ứng lĩnh vực dệt may, da giày, điện tử, tiêu dùng…tại Việt Nam.

Điển hình, Tập đoàn BOE Bắc Kinh đầu tư nhà máy thiết bị đầu cuối thông minh tại khu công nghiệp Phú Mỹ 3 của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu với tổng đầu tư 277,5 triệu đô la. Theo đó, tập đoàn Trung Quốc này sẽ lắp ráp và sản xuất màn hình cho máy vi tính, tivi, bảng giá điện tử, bọ mạch… Dự kiến khi hoạt động năm 2026. Đây là dự án đầu tư thứ 2 tại Việt Nam của BOE sau dự án sản xuất tương tự tại tỉnh Đồng Nai được đưa vào khai thác năm 2019.

Bên cạnh đó, dòng đầu tư Trung Quốc đang dồn dập vào các tỉnh ở khu vực phía Bắc. Đơn cử, Tập đoàn Geleximco và thương hiệu xe năng lượng mới Omoda & Jaecoo (thuộc Tập đoàn Chery) đã ký hợp đồng liên doanh xây nhà máy tại Thái Bình vốn hơn 800 triệu đô la, công suất 200.000 xe/năm vào tháng 4 vừa qua; Nhà sản xuất xe điện 2 bánh Yadea đang gấp rút xây nhà máy thứ 2 tại tỉnh Bắc Giang công suất 2 triệu xe máy/năm, gấp 4 lần so với nhà máy đầu tiên đi vào hoạt động năm 2019 ở địa phương này. Dự kiến 30% sản lượng nhà máy mới sẽ xuất đi Philippines, Thái Lan, Malaysia và Lào.

Hay tại tỉnh Bắc Ninh, với 105 dự án FDI được cấp phép trong quí đầu năm 2024 thì hơn phân nửa (60 dự án) là của nhà đầu tư đến từ đất nước tỉ dân này./.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước