Tư duy "3 cao, 2 ít", đến 3 đột phá chiến lược, vì một Việt Nam hùng cường

Ban Thời sự-Thứ hai, ngày 05/04/2021 14:24 GMT+7

VTV.vn - Theo mục tiêu đặt ra, đến năm 2045, Việt Nam trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

Một trong những thành công rất quan trọng của Đại hội Đảng Toàn quốc lần thứ XIII là đã thông qua được Nghị quyết và các văn kiện Đại hội. Các văn kiện tại Đại hội XIII của Đảng đã được chuẩn bị rất công phu, chu đáo, bài bản, là kết tinh trí tuệ của toàn Đảng, toàn dân, thể hiện rõ ý Đảng lòng dân, quyết tâm ý chí phát triển của dân tộc trong xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam.

Cùng với công tác xây dựng Đảng thì chiến lược phát triển kinh tế - xã hội cũng là một nội dung trọng tâm trong các văn kiện Đại hội XIII. Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, phát huy mạnh mẽ giá trị văn hoá, con người Việt Nam và sức mạnh thời đại, huy động mọi nguồn lực, phát triển nhanh và bền vững trên cơ sở khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; phấn đấu đến năm 2030 là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

"3 cao, 2 ít"

Để khơi dậy và thực hiện khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc thì không chỉ có Trung ương, thì vai trò của các địa phương vô cùng quan trọng, nếu không muốn nói là mang tính chất quyết định.

Thực tế tinh thần Văn kiện Đại hội XIII khi còn là dự thảo đã được Trung ương chỉ đạo các địa phương nghiên cứu, vận dụng vào quá trình xây dựng văn kiện đại hội của mình. Tính đến nay, Đại hội Đảng bộ cấp trực thuộc Trung ương đã diễn ra được gần nửa năm. Các chương trình hành động thực hiện nghị quyết đại hội cũng đã được xây dựng, đi thẳng vào những vấn đề cụ thể, sát với tình hình, nhiệm vụ và lợi thế của địa phương.

Tư duy 3 cao, 2 ít, đến 3 đột phá chiến lược, vì một Việt Nam hùng cường - Ảnh 1.

Thay vì dàn trị, Bắc Ninh áp dụng tư duy "3 cao, 2 ít" trong việc lưa chọn các doanh nghiệp FDI

Tại Khu Công nghiệp Yên Phong II-C (tỉnh Bắc Ninh), Công ty Hyosung, Hàn Quốc đầu tư sản xuất cây rút tiền tự động ATM với tổng vốn đầu tư 110 triệu USD, dự kiến khi đi vào hoạt động vào tháng 9 tới. Mỗi năm dự kiến nhà máy này sẽ đóng góp 200 tỷ đồng cho ngân sách của tỉnh.

Đây chỉ là 1 trong số các dự án có vốn đầu tư nước ngoài, đầu tư vào tỉnh Bắc Ninh trong cuối năm ngoái, bất chấp những khó khăn do đại dịch COVID-19 gây ra.

Tính đến nay, Bắc Ninh vẫn là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về thu hút đầu tư nước ngoài. Bắc Ninh có 16 khu công nghiệp, với hơn 1.600 dự án với tổng số vốn đầu tư gần 20 tỷ USD. Chỉ trong 3 tháng đầu năm nay, tỉnh đã thu hút được thêm 20 dự án với gần 300 triệu USD.

Không chỉ là những con số về tiền, về dự án mà điều quan trọng là tư duy thu hút đầu tư hướng đến những dự án có chọn lọc.

"Quan điểm là 3 cao 2 ít, những doanh nghiệp FDI vào Bắc Ninh phải có công nghệ cao, phải có số vốn cao, đặc biệt đó là phải có thu nộp ngân sách cũng như hiệu quả kinh tế cao.

Tiếp theo 2 ít, với địa bàn tỉnh Bắc Ninh không rộng do vậy phải sử dụng ít đất. Đặc biệt nữa là chúng tôi cũng không cần tăng số lao động, tức là ít lao động", ông Nguyễn Đình Xuân - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Bắc Ninh cho biết.

Tư duy 3 cao, 2 ít, đến 3 đột phá chiến lược, vì một Việt Nam hùng cường - Ảnh 2.

Bắc Ninh đặt mục tiêu đến năm 2045 trở thành TP công nghiệp, công nghệ cao, thông minh

Trong nghị quyết Đại hội đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025, Bắc Ninh xác định phát triển công nghiệp công nghệ cao là một trong những động lực phát triển kinh tế - xã hội.

Địa phương này cũng đặt ra 3 mốc mục tiêu để phát triển tương xứng với những mốc được nêu trong Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.

Đó là đến năm 2025, phấn đấu đưa Bắc Ninh phát triển bền vững, cơ bản trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo hướng văn minh, hiện đại. Đến năm 2030, trở thành thành phố có nền công nghiệp hiện đại, công nghệ cao. Và tầm nhìn đến năm 2045 trở thành thành phố công nghiệp công nghệ cao, thông minh.

Biến thách thức thành cơ hội

Không chỉ ở những địa phương có lợi thế và đà phát triển trong thời gian qua, ngay cả những địa phương còn không ít khó khăn đã thể hiện một tầm nhìn mới trong tư duy phát triển khi quyết tâm biến những tiềm năng, những bất lợi thành động lực, dư địa thúc đẩy tăng trưởng.

Dự án điện gió Liên Lập, dự án mới nhất ở Quảng Trị tính đến thời điểm này đang đẩy nhanh tiến độ thi công để phát điện trong quý III năm nay. Ở vùng Khe Sanh, Hướng Hóa - nơi từng là chiến trường khốc liệt và cả khắc nghiệt về khí hậu đang dần hình thành những cánh đồng điện gió.

Chính sự khác biệt về năng lượng gió với vận tốc gió lớn từ 6-7m/giây là thế mạnh, tiềm năng được đưa vào Nghị quyết đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Trị thành chủ trương phát triển đột phá.

Tư duy 3 cao, 2 ít, đến 3 đột phá chiến lược, vì một Việt Nam hùng cường - Ảnh 3.

Phát triển điện gió là một trọng tâm trong phát triển kinh tế của tỉnh Quảng Trị trong thời gian tới

"Hiện nay chúng tôi đã trình bộ Công thương trên 70 dự án với tổng công suất hơn 10.000 MW. Chúng tôi cũng đã đề xuất Ủy ban tỉnh đốc thúc việc triển khai thực hiện các dự án truyền tải trên địa bàn để giải tỏa các nguồn điện mà hiện nay đang triển khai xây dựng", ông Lê Quang Vĩnh - Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Quảng Trị cho biết.

Phát triển năng lượng ở Quảng Trị đã được quy hoạch bài bản, có tầm nhìn chiến lược. Khu vực ngoài khơi, Quảng Trị gần nhất với các mỏ khí Báo Vàng và Kèn Bầu nên được ưu tiên cho điện khí.

Ở phía Tây Quảng trị, chỉ riêng với 83 dự án điện gió đã được quy hoạch và đề xuất bổ sung quy hoạch với tổng công suất hơn 5.600 MW. Kế hoạch này nếu thành công, ngân sách Quảng Trị sẽ thu được 3.500 tỷ đồng/ năm.

Còn phía Đông, chủ yếu là vùng cát trắng nay được định hướng để phát triển điện mặt trời.

Kết nối 2 vùng phát triển điện năng ở phía Tây và Đông. Đây là một động lực để bứt phá.

Khát vọng và cam kết

Nhiệm kỳ vừa qua, dù chịu tác động nặng nề bởi đại dịch Covid-19, nhưng Việt Nam vẫn đạt tăng trưởng kinh tế trung bình 6%, còn các chỉ số kinh tế vĩ mô vững chắc nhất kể từ sau Đổi mới. Kết quả này chính là cơ sở để Đảng đặt ra những mục tiêu cao hơn.

Trong đó, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2021 - 2030 đã xác định đến năm 2030, Việt Nam là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. GDP bình quân đầu người đạt khoảng 7.500 USD.

Còn phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong 5 năm tới, 2021 - 2025 Việt Nam xác định tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt 6,5 - 7%/ năm. Đến 2025, GDP bình quân đầu người khoảng 4.700 - 5.000 USD.

Tư duy 3 cao, 2 ít, đến 3 đột phá chiến lược, vì một Việt Nam hùng cường - Ảnh 4.

Để thực hiện được chiến lược này, 3 đột phá chiến lược cũng được đặt ra, đó là:

- Tiếp tục hoàn thiện và nâng cao chất lượng thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đầy đủ, đồng bộ, hiện đại, hội nhập.

- Tiếp tục phát triển toàn diện nguồn nhân lực, khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo gắn với khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, lòng tự hào dân tộc, ý chí tự cường và phát huy giá trị văn hóa, con người Việt Nam.

- Tiếp tục hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội đồng bộ, hiện đại.

"Tính khát vọng cũng như tính cam kết rõ ràng hơn, mạnh hơn rất nhiều", PGS.TS Trần Đình Thiên – Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam đánh giá về những điểm mới của phương hướng nhiệm vụ và chiến lược kinh tế - xã hội 5 năm cũng như 10 năm tới của Đại hội XIII.

Tư duy 3 cao, 2 ít, đến 3 đột phá chiến lược, vì một Việt Nam hùng cường - Ảnh 6.

PGS.TS Trần Đình Thiên – Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam (Ảnh: Báo Đầu tư)

Theo ông Thiên, trong lịch sử phát triển, một đất nước có tài nguyên, điều kiện thế nào mà không có khát vọng là không phát triển được. Trong 3 tuyến mục tiêu đến năm 2025, 2030 và xa hơn là đến năm 2045 đều thể hiện được khát vọng đó.

Tính thứ 2 là tính cam kết, theo ông Thiên, ở một số kỳ đại hội trước, tính cam kết cho nhiều mục tiêu không rõ. Cam kết chỉ tiêu định lượng có thể đưa ra đủ các lý do có thể biện minh được, nhưng những mục tiêu mang tính chất chính trị cam kết với dân với tư cách là một tổ chức lãnh đạo quốc gia thì nó chưa thực sự rõ.

"Trong kỳ Đại hội XIII, tính cam kết rất rõ ràng. Tính cam kết rõ ràng, hàm nghĩa là Đảng đang đưa ra một tuyên ngôn chịu trách nhiệm về những cam kết đó. Tôi cho rằng điều này sẽ tạo ra một niềm tin lớn.

Lần đầu tiên chúng ta đưa ra một cấu trúc phát triển, một tinh thần, một phương châm phát triển: Bắt kịp, tiến cùng và vượt lên ở một số lĩnh vực chứ không còn chung chung", ông Thiên nhấn mạnh.

Tư duy 3 cao, 2 ít, đến 3 đột phá chiến lược, vì một Việt Nam hùng cường - Ảnh 7.

GS.TS Phùng Hữu Phú - Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương

Nói thêm về điểm mới của phương hướng nhiệm vụ và chiến lược kinh tế xã hội của Đại hội XIII, GS.TS Phùng Hữu Phú - Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương cho biết, chiến lược lần này chúng ta thấy có một điểm rất mới là phải phát triển đột phá dựa trên cơ sở khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và nhấn mạnh vấn đề chuyển đổi số để xây dựng kinh tế số xã hội số, chính phủ số.

"Khát vọng thực hiện bằng quyết tâm bằng ý chí, bằng hành động khôn ngoan trên cơ sở tận dụng thế mạnh nội sinh trong nước và chớp lấy thời cơ suy thế và những thành tựu mới của thế giới", ông Phú nói.

Điều quan trọng đặt ra sau Đại hội là việc đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống, là phổ biến, học tập và tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết. Khâu tổ chức thực hiện Nghị quyết bao giờ cũng là khâu quan trọng, khâu khó nhất và cũng mang tính chất quyết định nhất đến thành công.

Thực tế thì nghị quyết có hay, chiến lược có tốt, có đúng mà tổ chức thực hiện kém, không quyết liệt, không linh hoạt điều hành, còn qua loa, đại khái thì Nghị quyết và chiến lược khó mà đi vào cuộc sống. Điều này đòi hỏi ý thức tự giác cao, tinh thần trách nhiệm, gương mẫu của mỗi cán bộ đảng viên, nhất là người đứng đầu các cấp ủy, tổ chức Đảng.

Nội dung chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Đại hội XIII trong chương trình Triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng vào cuộc sống phát sóng vào ngày 4/4

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước