Tuần giao dịch chứng khoán nhiều "sóng gió"

TTXVN-Chủ nhật, ngày 29/10/2023 11:08 GMT+7

VTV.vn - Cùng chung xu hướng với thế giới, thị trường chứng khoán Việt Nam tuần 23-27/10 đã trải qua tuần giao dịch nhiều sóng gió.

Trong đó, cổ phiếu ngành bất động sản là nguyên nhân chính tạo ra biến động tiêu cực lên thị trường chung.

Nhóm cổ phiếu bất động sản là tâm điểm của thị trường trong tuần khi có những biến động rất mạnh như VHM giảm 11,91%, LGL giảm 10,31%, NBB giảm 8,84%, NDN giảm 8,65%, CII giảm 7,08%...

Nhóm cổ phiếu dịch vụ tài chính, chứng khoán sau tuần giảm điểm mạnh trước đó, tiếp tục có tuần giao dịch kém tích cực, đa số cổ phiếu vẫn giảm điểm mạnh, thanh khoản gia tăng ở mức trên trung bình như MBS giảm 10,63%, AGR giảm 10,27%, FTS giảm 10,17%, PSI giảm 10%, VIX giảm 9,33%...

Trong khi đó, các cổ phiếu ngân hàng dù đa số cũng chịu áp lực điều chỉnh như NVB giảm 11,5%, PGB giảm 9,43%, VPB giảm 6,48%, MSB giảm 5,38%..., nhưng đánh giá tổng thể, nhóm cổ phiếu ngân hàng vẫn tích cực hơn so với thị trường chung vì có những mã tăng giá so với tuần trước. Cụ thể, LPB tăng 5,15%, SSB tăng 4,5%, BID tăng 3,7%, VCB tăng 0,24%....

Các nhóm ngành khác hầu hết đều có diễn biến kém tích cực trong tuần, với áp lực bán mạnh và chỉ phục hồi khi thị trường vào vùng quá bán ngắn hạn, ngoại trừ một số mã rất nổi bật, thanh khoản đột biến như YEG tăng 21,57%, CTD tăng 7,45%, HAG tăng 7,36%, LPB tăng 5,15%...

Chốt tuần giao dịch từ 23 – 27/10, VN-Index vẫn giảm mạnh 4,26% so với tuần trước về mức 1.060,62 điểm. HNX-Index có diễn biến tương tự kết thúc tuần ở mức 218,04 điểm, giảm 4,56% so với tuần trước.

Trong tuần thanh khoản trên HOSE đạt 70.404,20 tỷ đồng, giảm 10,3% so với tuần trước, khối lượng giao dịch giảm 5,7%; trong đó, áp lực bán mạnh đột biến tập trung nhiều ở các mã trong VN30. Thanh khoản HNX giảm 10,5%, với 9.183,29 tỷ đồng được giao dịch.

Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS) nhận định, kinh tế vĩ mô trong nước vẫn đang trong giai đoạn chưa có nhiều chuyển biến tích cực, nhưng không xấu đi.

Tình hình địa chính trị thế giới đang tồn tại nhiều bất ổn, kinh tế toàn cầu tăng trưởng thấp dẫn tới đơn hàng xuất khẩu sụt giảm, mặt khác tình hình lạm phát toàn cầu vẫn chưa thực sự được kiểm soát. Do đó, SHS cho rằng, nếu thị trường chững lại để tiếp tục tích lũy chờ động thái chuyển động vĩ mô tiếp theo cũng là vận động phù hợp.

Thị trường trong ngắn hạn có khả năng phục hồi kỹ thuật, do VN-Index rơi vào trạng thái quá bán. Nhà đầu tư ngắn hạn có khả năng chịu đựng rủi ro cao nếu có giải ngân cũng nên với quan điểm thận trọng bởi nhịp hồi không phải là xu hướng uptrend (giai đoạn chứng khoán có xu hướng tăng) tiếp diễn nên sẽ có thể kết thúc bất kỳ thời điểm nào. Trong trung, dài hạn thị trường dù mất xu hướng uptrend, nhưng sẽ đi tìm điểm cân bằng mới và tích lũy lại nên rủi ro trung dài hạn không cao.

Công ty cổ phần Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cũng nhìn nhận, đà giảm của thị trường được kìm hãm và hồi phục trở lại trong phiên cuối tuần, tuy nhiên mức hồi phục vẫn còn khiêm tốn, đồng thời vẫn còn một số cổ phiếu lớn có tác động tiêu cực đến thị trường.

Thanh khoản giảm về mức trung bình cho thấy nguồn cung có động thái hạ nhiệt, nhưng dòng tiền vẫn chưa hoạt động tích cực.

Với tín hiệu hỗ trợ hiện tại, có khả năng thị trường sẽ còn quán tính hồi phục, nhưng diễn biến tăng điểm sẽ gặp khó khăn và áp lực cung có thể sẽ gia tăng trở lại, đặc biệt là khi VN-Index tiến đến gần vùng cản 1.080 điểm, VDSC dự báo.

Thực tế, những sóng gió của thị trường chứng khoán Việt Nam trong tuần qua cũng tương đồng với diễn biến của các thị trường chứng khoán trên thế giới.

Thị trường chứng khoán thế giới giảm

Tuần giao dịch chứng khoán nhiều sóng gió - Ảnh 1.

Sau một phiên giao dịch tích cực ở châu Á, các thị trường chứng khoán ở châu Âu và Mỹ hầu hết đều giảm, kéo dài giai đoạn khó khăn đối với chứng khoán.

Các thị trường chứng khoán thế giới đi ngược chiều nhau phiên 27/10 sau báo cáo lợi nhuận doanh nghiệp không đồng đều trong bối cảnh những lo ngại về xung đột Trung Đông đã tác động mạnh tới giá dầu.

Sau một phiên giao dịch tích cực ở châu Á, các thị trường chứng khoán ở châu Âu và Mỹ hầu hết đều giảm, kéo dài giai đoạn khó khăn đối với chứng khoán.

Khép phiên này tại thị trường Phố Wall (Mỹ), chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 1,1% xuống 32.417,59 điểm. Chỉ số tổng hợp S&P 500 giảm 0,5% xuống 4.117,37 điểm, còn chỉ số công nghệ Nasdaq Composite tăng 0,4% lên 12.643,01 điểm. Báo cáo lợi nhuận khả quan của Amazon và Intel đã giúp nâng chỉ số Nasdaq, nhưng hai chỉ số chính còn lại đóng phiên giảm.

Tại châu Âu, chỉ số FTSE 100 của London giảm 0,9% xuống 7.291,28 điểm. Chỉ số DAX 30 trên sàn Frankfurt giảm 0,3% xuống 14.687,41 điểm. Chỉ số CAC 40 của Paris giảm 1,4% xuống 6.795,38 điểm.

Chỉ số tổng hợp EURO STOXX 50 giảm 0,9% xuống 4.014,36 điểm. Chuyên gia Adam Sarhan của công ty đầu tư 50 Park Investments cho biết thị trường đang điều chỉnh lại cho khả năng xung đột leo thang ở Trung Đông gia tăng.

Chỉ số giá tiêu dùng cá nhân, một chỉ số được dùng để theo dõi lạm phát của Mỹ vẫn ổn định trong tháng 9/2023. Chỉ số này đã tăng 3,4% so với một năm trước, bằng với mức tăng hai tháng trước đó. Báo cáo này được đưa ra trước cuộc họp của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vào tuần tới.

Nhà phân tích Patrick O'Hare của chuyên trang nghiên cứu về thị trường chứng khoán Briefing.com cho biết các số liệu này đang "gây ra cảm giác khó chịu" cho những nhà đầu tư bởi chúng cho thấy xu hướng thiểu phát chưa đủ mạnh. Điều đó có thể khiến Fed có quan điểm "cứng rắn" hơn về chính sách tiền tệ và cơ quan này sẽ không sớm nghĩ đến việc cắt giảm lãi suất.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước