Tỷ lệ nợ công trên GDP của Việt Nam 5 năm trước lên tới hơn 60%, đến năm ngoái đã giảm xuống chỉ còn hơn 40%. Xu hướng giảm tiếp tục được duy trì trong khi nợ công của hầu hết các quốc gia trên thế giới đều tăng cao. Đây là sự điều hành linh hoạt tỷ giá và kiểm soát tốt lạm phát.
Nợ công của Việt Nam bao gồm nợ trong nước và nợ vay nước ngoài. Năm 2021, nợ vay nước ngoài của Chính phủ và tổng dư nợ vay nước ngoài được Chính phủ bảo lãnh vào khoảng 60 tỷ USD. Trong đó, nợ bằng đồng USD chỉ chiếm gần 13,5%, nợ đồng Yen Nhật là 10,5%, còn lại là các ngoại tệ khác.
"Đồng USD đã tăng giá khoảng 16%, tương ứng với đó, nhiều đồng tiền trong khu vực đã mất giá từ 10 - 20%. Trong khi đó VND mất giá so với USD là 4,5% - mức thấp nhất trong số các đồng nội tệ của khu vực. Như vậy chúng ta vẫn trong trạng thái chấp nhận được và tương đối ổn định so với các nước", TS Cấn Văn Lực, Thành viên Hội động Tư vấn Tài chính tiền tệ Quốc gia, đánh giá.
Nợ công được duy trì thấp đã tạo ra dư địa để Chính phủ tiếp tục tăng các nguồn lực đầu tư từ ngân sách cho các chương trình hỗ trợ phục hồi kinh tế. (Ảnh minh họa - Ảnh: Báo Đầu tư)
"Trong cơ cấu nợ công, đồng USD chỉ chiếm 13,5%. Như vậy, sau khi cơ cấu lại nợ công, chúng tôi tính toán tiết kiệm được khoảng 57.000 tỷ", Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết.
Tăng trưởng kinh tế cao, lạm phát được kiểm soát, tỷ giá điều hành linh hoạt, xuất khẩu và đầu tư nước ngoài tăng mạnh là những yếu tố quan trọng góp phần giữ vững nợ công trong giới hạn Quốc hội cho phép.
"Thu ngân sách tăng nhưng chi không tăng nên bội chi giảm, vì vậy không tạo áp lực tăng nợ công. Bên cạnh đó kiểm soát tốt cái tỷ giá, trong khi nhiều đồng ngoại tệ giảm giá so với tiền Việt nên quy đổi ra thì nợ công của chúng ta lại giảm xuống", GS. TS Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, nhận định.
"Nợ công hiện nay khoảng 44%, tức kiểm soát ở mức rất an toàn và đảm bảo hạn mức Quốc hội giao là 60%. Bộ chi ngân sách kiềm chế dưới 4%. Có thể nói kinh tế vĩ mô và quản lý nợ công năm nay hoàn thành tốt", Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc khẳng định.
Nợ công được duy trì thấp đã tạo ra dư địa để Chính phủ tiếp tục tăng các nguồn lực đầu tư từ ngân sách cho các chương trình hỗ trợ phục hồi kinh tế; đồng thời có thêm nguồn lực đầu tư cho phát triển kinh tế - xã hội của các năm sau, tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế và giữ vững an ninh tài chính quốc gia.
Nợ công của Việt Nam đang giảm mạnh VTV.vn - Theo bản tin nợ công số 14 vừa được Bộ Tài chính công bố, nợ công của Việt Nam giai đoạn 2017-2021 đang giảm mạnh từ mức 61,4% GDP xuống còn 43,1% GDP.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!