Theo tính toán của tờ Người lao động, giá giao dịch USD tại các ngân hàng thương mại so với đầu năm 2018 đã tăng 350 đồng/USD (khoảng 1,53%).
Với các doanh nghiệp xuất nhập khẩu, biến động tỷ giá càng lớn càng làm rõ hơn 2 thái cực - được và mất. Trả lời tờ Thời báo kinh doanh, đại diện Hiệp hội Dệt may khá phấn khởi khi cho biết, tỷ giá tăng cao đang hỗ trợ tích cực cho các doanh nghiệp. Rất nhiều đơn vị trong ngành này có nguồn thu 100% là USD, trong khi đó chi phí nguyên liệu đầu vào cũng có lợi khi đồng NDT đang giảm giá.
Cùng lạc quan như ngành dệt may là ngành thủy sản, đại diện VASEP cho hay, doanh nghiệp xuất khẩu tôm vào Nhật - thị trường lớn thứ hai của ngành này - cũng đang có lợi nhuận cao. Ước tính trong tháng 6, nhiều doanh nghiệp tăng lời gấp đôi so với tháng trước nhờ đồng USD tăng giá.
Ở chiều ngược lại, các doanh nghiệp nhập khẩu không thích điều này. Giám đốc một doanh nghiệp nhập khẩu thuốc bảo vệ thực vật cho biết, tính toán sơ bộ doanh nghiệp này có thể thiệt hại khoảng 200 triệu đồng cho một đơn hàng trị giá 800.000 USD vừa mới nhập về do chênh lệch tỷ giá, trong khi đó lại không thể tăng giá nên coi như lợi nhuận tháng 6 bằng 0.
Dù hoàn cảnh hiện giờ là "người khóc người cười" nhưng chính các doanh nghiệp xuất khẩu đang có lời nhờ tỷ giá tăng cũng hiểu rằng đó chỉ là niềm vui trong ngắn hạn, bởi về lâu dài khách hàng sẽ điều chỉnh đơn giá theo tỷ giá mới. Do đó, chính các doanh nghiệp xuất khẩu cũng cần tỷ giá chỉ biến động trong biên độ nhất định chứ không tăng - giảm quá mạnh. Thông điệp chiều 2/7 của Ngân hàng Nhà nước dường như cũng là để trấn an các doanh nghiệp theo hướng này.
Cụ thể, đại diện Ngân hàng Nhà nước cho biết tín dụng ngoại tệ hiện đáp ứng đủ nhu cầu cần thiết của các doanh nghiệp xuất nhập khẩu. Tuy nhiên, kỳ hạn vốn vay ngoại tệ chủ yếu cũng chỉ là ngắn hạn, tập trung cho các lĩnh vực ưu tiên nhằm đáp ứng nhu cầu mua nguyên liệu cho hàng xuất nhập khẩu. Đại diện Ngân hàng Nhà nước chiều 2/7 cũng khẳng định nếu cần thiết cơ quan này sẵn sàng bán ngoại tệ ra thị trường với tỷ giá thấp hơn tỷ giá niêm yết hiện nay để bình ổn.
Các chuyên gia đánh giá đây là một động thái khả thi khi lượng dự trữ ngoại hối của Ngân hàng Nhà nước hiện khoảng 63-64 tỷ USD. Tuy nhiên, cũng cần những tính toán sớm bởi quý III và quý IV là mùa cao điểm của các doanh nghiệp xuất nhập khẩu nếu biến động tỷ giá vẫn như hiện nay sẽ rất khó để các doanh nghiệp lựa chọn đồng tiền thanh toán, giao dịch cho các hợp đồng.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!