Khóa tập huấn về công nghệ Biofloc, dưới sự hướng dẫn của chuyên gia sáng chế Yoram Avnimelech.
Được phát minh vào năm 2002 bởi GS.TS Yoram Avnimelech, người Israel, Biofloc đã nhanh chóng được triển khai tại nhiều quốc gia trên thế giới như Mỹ, Ấn Độ, Indonesia, Malaysia. Còn tại Việt Nam, dưới sự hỗ trợ của Đại sứ quán Israel, hai khóa tập huấn lớn tại Hà Nội và TP.HCM đã được tích cực triển khai dưới sự hướng dẫn trực tiếp của chuyên gia sáng chế.
Tại khóa tập huấn về công nghệ Biofloc, dưới sự hướng dẫn của chuyên gia sáng chế Yoram Avnimelech dành cho các cán bộ, đại diện doanh nghiệp thủy sản, các học viên được học cách sục khí, bố trí sục khí và đánh giá chỉ số nước - một trong những bước cần thiết khi áp dụng công nghệ Biofloc. Bởi dựa trên những chỉ số này, người nuôi trồng mới có thể cân bằng thức ăn bổ sung vào nước, kích thích vi sinh vật phát triển ở mật độ cao.
Giáo sư Yoram Avnimelech, Viện Công nghệ Technion, Israel nói: "Biofloc là phương pháp dùng trong nuôi trồng thủy sản với mật độ lớn, thường sử dụng vi khuẩn, các loài thủy sinh để tái tạo tuần hoàn chuỗi thức ăn thừa, quay trở lại làm thức ăn cho cá, giảm thiểu tối đa nguyên liệu đầu vào trong sản xuất, nâng cao sản lượng và chất lượng sản phẩm, đem lại hiệu quả kinh tế cho nông dân".
Biofloc được các chuyên gia khuyến cáo không nên áp dụng đối với những loài đòi hỏi nước trong, phù hợp nhất vẫn là cá tra, rô phi hay tôm thẻ chân trắng.
Thí nghiệm từ mẫu nước đã áp dụng phương pháp Biofloc, kết quả cho thấy số lượng vi sinh vật đã tăng lên đáng kể. Điều đó không chỉ làm dồi dào nguồn thức ăn cho thủy sản, mà còn giúp hạn chế bệnh dịch. Hệ thống thức ăn khép kín cũng làm giảm hoạt động phát thải ra môi trường.
Tại Việt Nam, nhiều năm trở lại đây Biofloc đã nằm trong nhiều công trình nghiên cứu cấp ngành, Bộ, tuy nhiên áp dụng vào thực tế vẫn chưa nhiều mô hình thành công. Dưới sự hỗ trợ của Đại sứ quán Israel, khóa tập huấn của chuyên gia sáng chế được kỳ vọng sẽ mang lại nhiều kỹ thuật thực tế cho người sản xuất, cũng như cải thiện cách nuôi trồng truyền thống, phát triển theo hướng bền vững.
Mời quý độc giả theo dõi Truyền hình trực tuyến các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam!