75% là mức độ sẵn sàng của Bộ Tài chính trong ứng dụng dữ liệu lớn. Đây là con số được chia sẻ tại sự kiện Digital Finance 2023 do Bộ Tài chính tổ chức ngày 21/9. Con số này được đánh giá là mức cao so với nhiều quốc gia ở thời điểm trước khi triển khai ứng dụng dữ liệu lớn.
Thực tế kinh nghiệm quốc tế đã cho thấy hiệu quả rõ rệt của ứng dụng dữ liệu lớn với ngành tài chính. Như tại Mỹ, nhờ dữ liệu lớn trên mạng xã hội, cơ quan thuế đã chứng minh được cá nhân có lối sống xa hoa hơn hồ sơ thuế khai báo, nhờ đó tránh thất thoát được 300 tỷ USD hàng năm.
Tại Mexico, áp dụng trí tuệ nhân tạo để thu thập lượng lớn dữ liệu từ hóa đơn điện tử theo thời gian thực ước tính giúp GDP nước này tăng thêm 3%.
Tại Việt Nam, ngành thuế cũng là một trong những ngành đi đầu về chuyển đổi số và ứng dụng dữ liệu lớn, bước đầu gặt hái được nhiều kết quả ấn tượng.
Với một chiếc di dộng có kết nối Internet, người dùng có thể đặt hàng, dịch vụ ở bất cứ đâu. Sự thuận tiện của người dùng, nhưng lại khiến ngành thuế gặp khó khăn trong công tác quản lý. Trong bối cảnh thương mại điện tử đang phát triển như hiện nay đặt ra bài toán cần làm gì để quản lý tốt nguồn thu thuế và giải pháp tối ưu là phải thu thập đầy đủ dữ liệu của người dùng.
Ngành thuế là một trong những ngành đi đầu về chuyển đổi số và ứng dụng dữ liệu lớn. (Ảnh minh họa - Ảnh: PLO)
Dữ liệu ở đây bao gồm: tên, địa chỉ, căn cước công dân, mã số thuế, email, số điện thoại, tài khoản ngân hàng, giá trị giao dịch, hay các hóa đơn…
Đến nay, cổng thông tin thương mại điện tử trong nước đã tiếp nhận được được các thông tin của 191.000 cá nhân kinh doanh trên 300 sàn thương mại điện tử trong nước.
"Theo định kỳ hàng quý, các sàn phải cung cấp dữ liệu cho cơ quan thuế. Chất lượng hiện nay vẫn chưa đáp ứng yêu cầu, nhưng chúng tôi sẽ phối hợp với các bộ, đặc biệt là Bộ Công Thương và Bộ Thông tin và Truyền thông kiểm soát và hướng dẫn cho các sàn thương mại điện tử cung cấp đầy đủ dữ liệu", ông Đặng Ngọc Minh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính, cho biết.
Đối với dịch vụ xuyên biên giới, từ tháng 3/2022 đến hết tháng 7 năm nay, đã có 62 nhà cung cấp nước ngoài nộp 9.281 tỷ đồng qua cổng thông tin riêng.
Các dữ liệu từ gần 1 triệu doanh nghiệp và hơn 5 triệu hộ cá nhân kinh doanh cũng được ngành thuế số hóa. Các dữ liệu này sẽ được ngành thuế kết nối, chia sẻ với các bộ, ngành.
Ngoài ra, các dữ liệu cũng giúp chống thất thu thuế. Bởi trí tuệ nhân tạo có thể phân tích các số liệu và chỉ ra những trường hợp rủi ro.
"Chúng tôi phải phân tích tên hàng hóa, dịch vụ bằng công nghệ phân tích ngôn ngữ tự nhiên để có thể lọc ra những hóa đơn có cùng một loại hàng hóa, dịch vụ, từ đó là cái căn cứ để chúng tôi có thể tìm ra được những cái giá bất thường trong những loại hàng hóa dịch vụ đó", bà Nguyễn Thu Trà, Trưởng Ban quản lý rủi ro, Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính, cho hay.
Thời gian tới, ngành thuế sẽ dùng căn cước công dân làm mã số thuế, bỏ mã số thuế cá nhân. Đây là cơ sở để kết nối dữ liệu các bộ ngành thành công.
Nâng cao quản trị dữ liệu lớn ngành tài chính
Tiềm năng và lợi ích triển khai cơ sở dữ liệu quốc gia ngành tài chính đã thấy rõ, nhưng rõ ràng thách thức là không nhỏ, đặc biệt khi công nghệ dữ liệu lớn đang ngày càng thay đổi chóng mặt. Vì vậy, việc quản trị dữ liệu lớn hiệu quả và ngăn chặn các rủi ro bảo mật sẽ luôn là ưu tiên hàng đầu.
Quản lý tài sản nhà nước trên một nền tảng, nộp thuế điện tử cho doanh nghiệp và cá nhân trên một hệ thống, hay thực hiện công tác kế toán của các đơn vị sự nghiệp trên một nền tảng, dữ liệu lớn đang ngày cảng trở thành một đòi hỏi thiết yếu với ngành tài chính. Đặc biệt, cơ sở dữ liệu ngành tài chính là 1 trong 6 cơ sở dữ liệu quốc gia đang được tiến hành xây dựng và hoàn thiện, không chỉ để nâng cao hiệu quả quản lý, phát hiện, hạn chế rủi ro, mà còn giúp người dân và doanh nghiệp tiến gần hơn tới một xã hội số.
Dữ liệu số, trước tiên phải cập nhật sát thực tế, bởi ước tính, cứ 1 giờ đồng hồ lại có 20 doanh nghiệp đăng ký mới, 150 số điện thoại doanh nghiệp thay đổi hoặc mất kết nối và 548 cá nhân thay đổi địa chỉ.
"Bộ Tài chính sẽ phải đưa ra các quy trình, quy định bắt buộc về chính sách cập nhật, làm sạch dữ liệu thời gian tới. Đó là hướng giải pháp để Bộ Tài chính xây dựng nền tảng dữ liệu tập trung", ông Nguyễn Khắc Xuân Bách, Giám đốc Dữ liệu & Phân tích, SVTech, cho biết.
"Hệ thống tích hợp bên thứ ba như bán hàng, bảo hiểm, với quy mô lớn như vậy mà tồn tại lỗ hổng thông tin thì rất dễ bị đối tượng xấu khai thác", ông Đinh Văn Kiệt, Giám đốc Trung tâm Sản phẩm Thế hệ mới, Công ty An ninh mạng Viettel, nhận định.
Dữ liệu lớn không chỉ cần đúng về công nghệ, mà còn phải đúng cả về quy trình, đúng quy định pháp luật.
"Như Ngân hàng Nhà nước vừa đưa ra luật bảo vệ thông tin cá nhân, bảo vệ dữ liệu. Khai thác dữ liệu thì dễ nhưng làm sao để tuân thủ? Phải xây dựng quy định quy chế hướng dẫn về khai thác và chia sẻ dữ liệu. Kể cả dữ liệu trong và ngoài Việt Nam, chúng ta phải xây dựng cơ chế chính sách để chuẩn hóa", ông Nguyễn Tuấn, Giám đốc các giải pháp Khang Phần mềm, IBM Việt Nam, nêu quan điểm.
HIện nay, Bộ Tài chính đang xây dựng một cổng thông tin điện toán đám mây với khả năng tích hợp đầy đủ để các bộ, ngành, Chính phủ và người dân, doanh nghiệp đều có thể truy cập. Theo đó, các phương pháp ủy quyền, xác thực người dùng sẽ được áp dụng để định danh và quản lý rủi ro.
Bên cạnh mục tiêu 100% thủ tục hành chính được cung cấp dưới hình thức dịch vụ công trực tuyến vào năm 2025, một mục tiêu được Bộ Tài chính đặt ra còn là tỷ lệ người dân và doanh nghiệp hài lòng về việc giải quyết thủ tục hành chính của Bộ phải đạt tối thiểu 90%.
Như vậy, rõ ràng bên cạnh yếu tố công nghệ, bảo mật, hay hành lang pháp lý thông suốt, xét cho cùng, đo đếm được sự hài lòng của các đối tượng sử dụng dịch vụ vẫn sẽ đóng vai trò quyết định trong sự thành công của quá trình chuyển đổi số ngành tài chính thời gian tới.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!