Ứng phó với "làn sóng" hàng giá rẻ qua thương mại điện tử

VTV Digital-Thứ bảy, ngày 14/12/2024 16:16 GMT+7

VTV.vn - Để gia tăng sức cạnh tranh, hàng Việt cần nâng cao được giá trị gia tăng về tính năng, mẫu mã và nguồn vốn đầu tư và công nghệ chính là yếu tố quyết định.

Chỉ trong vài tháng gần đây các tập đoàn thương mại điện tử lớn của nước ngoài - với chủ lực là hàng giá rẻ đang có động thái mở rộng vào thị trường Việt Nam. Hàng hóa nước ngoài đến từ các nền sản xuất phát triển, mạng lưới giao vận ngày càng hoàn thiện, nay có thêm sự "hậu thuẫn" từ các mô hình kinh doanh cạnh tranh giá rẻ của những tập đoàn công nghệ lại càng có thêm lợi thế. Tất cả những yếu tố này đang gây sức ép cạnh tranh cho hàng hóa Việt Nam.

Vậy một câu hỏi lớn cần được đặt ra là các doanh nghiệp Việt Nam cần làm gì để có thể ứng phó, gia tăng sức cạnh tranh với hàng ngoại giá rẻ?

Chiến lược phát triển thương mại điện tử xuyên biên giới của nước bạn đã giúp hình thành hàng trăm khu thí điểm thương mại điện tử cùng mạng lưới các tổng kho sát biên giới. Kết hợp với logistics phục vụ thương mại điện tử trong nước liên tục tăng trưởng hai con số mỗi những năm gần đây đã giúp cho thời gian nhận hàng đặt ở nước ngoài có khi bằng thời gian đặt từ trong nước. Điều này đã giúp cho hàng ngoại dễ tiếp cận hơn với người tiêu dùng Việt. Chỉ tính riêng 1 sàn thương mại điện tử lớn trong quý 3 năm nay, lượng hàng hóa có kho đặt tại nước ngoài bán vào thị trường trong nước tăng gần 14% so với cùng kỳ. Một nửa số này là hàng giá rẻ, dưới 100.000 đồng.

Anh Nhã làm doanh nghiệp chuyên nhập khẩu, phân phối các thiết bị điện dùng năng lượng mặt trời. Trước việc các mặt hàng cùng loại khi nhập qua thương mại điện tử có thể rẻ hơn 10-30% so với thông thường, anh cho biết sẽ không thể cạnh tranh trực tiếp, do đó thời gian tới công ty anh sẽ chuyển đổi nhiều hơn theo hướng gia tăng các sản phẩm về giải pháp.

Ông An Đình Nhã - Giám đốc Công ty Năng lượng xanh An Gia cho hay: "Chúng tôi đưa thêm những giá trị gia tăng cho khách hàng: ví dụ như lắp đặt, bảo hành lâu hơn, đổi trả nhanh hơn. Chỉ có những lợi thế đó chúng tôi mới có thể cạnh tranh được".

Để gia tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm giày dép của doanh nghiệp, anh Thiện đang lên kế hoạch chuyển đổi công nghệ. Ví dụ như mẫu giày sẽ được thiết kế lại để có phần đế làm từ vật liệu nhẹ hơn, một chi tiết tưởng nhỏ nhưng để làm được cần phải bỏ nhiều công sức kết nối với một số doanh nghiệp lớn tại Việt Nam có công nghệ này.

"Yếu tố liên quan đến thị trường tiêu thụ có tác động rất lớn đến quyết định doanh nghiệp của mình có chuyển đổi công nghệ mới hay không. Nếu như trong trường hợp có sự hỗ trợ về thị trường tiêu thụ, ví dụ như kết nối giữa các hiệp hội, để cho doanh nghiệp chủ động bán hàng được tốt hơn", ông Bùi Đức Thiện - Sáng lập Erosska Store chia sẻ.

Theo giới chuyên gia, nhiều ngành sản xuất như thời trang, mỹ phẩm, hàng điện tử của Việt Nam đang chịu sức ép lớn từ hàng ngoại giá rẻ qua thương mại điện tử. Để gia tăng sức cạnh tranh, hàng Việt cần nâng cao được giá trị gia tăng về tính năng, mẫu mã và nguồn vốn đầu tư và công nghệ chính là yếu tố quyết định.

Ông Phan Đức Hiếu - Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội cho biết: Vai trò của Nhà nước và các hiệp hội thì phải hỗ trợ doanh nghiệp, có thể có những chính sách khuyến khích, để họ làm quen hoặc có cơ sở để kinh doanh trên những sàn thương mại điện tử".

Các chuyên gia cũng cho rằng, một số chính sách cần được điều chỉnh để đảm bảo yếu tố cạnh tranh công bằng. Thời gian qua, Chính phủ đã có nhiều động thái xúc tiến các giải pháp xây dựng cơ chế kiểm soát chặt với những hàng hoá nhập khẩu qua thương mại điện tử, một cách phù hợp với các cam kết quốc tế của Việt Nam.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước