USD mạnh, Euro yếu: Ai lợi, ai thiệt?

Thùy An-Thứ tư, ngày 24/08/2022 14:26 GMT+7

(Ảnh: Bloomberg)

VTV.vn - Đồng Euro đã rớt giá xuống mức thấp nhất 20 năm qua khi có thời điểm giảm xuống dưới mức tương đương với đồng USD Mỹ.

Hãng thông tấn AFP nhận định: Đó là một rào cản tâm lý trên thị trường và tâm lý là điều quan trọng. "Sự trượt giá của đồng Euro nhấn mạnh "điềm báo" về 19 quốc gia châu Âu sử dụng đồng tiền này khi họ đang phải vật lộn với cuộc khủng hoảng năng lượng do căng thẳng giữa Nga và Ukraine", hãng thông tấn này cho hay.

Vậy sự trượt giá của đồng Euro diễn ra ra sao và nó có thể có tác động gì?

Đồng Euro và đồng USD ngang giá nghĩa là tiền tệ của châu Âu và Mỹ có giá trị như nhau. Trong diễn biến thay đổi liên tục những ngày qua, có thời điểm đồng Euro đã rơi xuống mức chưa đổi được 1 USD.

"Tỷ giá hối đoái của một loại tiền tệ có thể là phán quyết về triển vọng kinh tế và triển vọng kinh tế của châu Âu đang không mấy sáng sủa", AFP viết. Những kỳ vọng về sư phục hồi sau đại dịch COVID-19 đã bị thay thế bằng những dự đoán về suy thoái.

USD mạnh, Euro yếu: Ai lợi, ai thiệt? - Ảnh 1.

Hiện Euro đang ngang giá với USD

Giá năng lượng cao và lạm phát kỷ lục là nguyên nhân cho những dự đoán không mấy sáng sủa này. Châu Âu phụ thuộc nhiều hơn vào dầu mỏ và khí đốt tự nhiên của Nga so với Mỹ để tạo ra điện và duy trì các ngành công nghiệp. Lo ngại cuộc chiến ở Ukraine đã đẩy giá dầu lên cao hơn. Bản thân Nga cũng đã cắt giảm nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên cho Liên minh châu Âu.

Giá năng lượng đã đẩy lạm phát khu vực đồng Euro lên mức kỷ lục 8,9% trong tháng Bảy, khiến mọi thứ, từ các mặt hàng tạp hóa đến hóa đơn điện nước đều trở nên đắt đỏ. Bên cạnh đó là những lo ngại về việc các chính phủ cần cung cấp khí đốt tự nhiên cho các ngành công nghiệp như thép, sản xuất thủy tinh và nông nghiệp nếu Nga tiếp tục giảm hoặc đóng cửa hoàn toàn các vòi khí đốt vốn cung cấp cho Liên minh châu Âu.

Giá khí đốt tự nhiên theo tiêu chuẩn TTF của châu Âu đã tăng lên mức cao kỷ lục trong bối cảnh nguồn cung ngày càng cạn kiệt, lo ngại về việc cắt giảm thêm và mức cầu mạnh.

"Nếu bạn nghĩ Euro ngang giá là rẻ, hãy nghĩ lại", ông Robin Brooks, nhà kinh tế trưởng tại Viện Thương mại Ngân hàng Tài chính Quốc tế cho biết. "Suy thoái toàn cầu đang đến," ông nói trong một dòng tweet khác.

Lần cuối cùng đồng Euro bằng đồng USD là khi nào?

Đồng Euro được định giá lần cuối ở mức dưới 1 USD vào ngày 15/7/2002.

Đồng tiền châu Âu đạt mức cao nhất mọi thời đại là 1,18 USD ngay sau khi ra mắt vào ngày 1/1/1999, nhưng sau đó bắt đầu trượt dài, giảm qua mốc 1 USD vào tháng 2 năm 2000 và chạm mức thấp kỷ lục 82,30 cents vào tháng 10/2000. Nó tăng trên mức tương đương vào năm 2002 khi thâm hụt thương mại lớn và các vụ bê bối ở Phố Wall đè nặng lên đồng USD.

"Như bây giờ, dường như, câu chuyện đồng Euro cũng là câu chuyện USD nhưng lại theo một cách khác", AFP viết. Đó là bởi vì USD Mỹ vẫn là đồng tiền chủ đạo với thương mại và dự trữ của các ngân hàng trung ương. Ở thời điểm hiện tại, đồng USD đã đạt mức cao nhất trong 20 năm so với tiền tệ của các đối tác thương mại lớn, không chỉ so với đồng Euro.

Đồng USD cũng đang được hưởng lợi từ vị thế là nơi trú ẩn an toàn cho các nhà đầu tư trong thời điểm bất ổn.

Tại sao đồng Euro suy yếu?

Nhiều nhà phân tích cho rằng sự trượt giá của đồng Euro là do Cục Dự trữ Liên bang Mỹ FED tăng lãi suất ở mức gần mức cao nhất trong 40 năm để chống lạm phát.

Khi FED tăng lãi suất, lãi suất của các khoản đầu tư chịu lãi suất cũng có xu hướng tăng. Nếu FED tăng lãi suất nhiều hơn Ngân hàng Trung ương châu Âu, lợi tức cao hơn sẽ thu hút tiền của nhà đầu tư từ Euro vào các khoản đầu tư bằng USD. Các nhà đầu tư  sẽ phải bán Euro và mua USD để mua những khoản đầu tư đó. Điều này khiến đồng Euro đi xuống và đồng USD tăng giá.

USD mạnh, Euro yếu: Ai lợi, ai thiệt? - Ảnh 2.

Tháng trước, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã tăng lãi suất lần đầu tiên trong 11 năm

Vào tháng trước, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã tăng lãi suất lần đầu tiên trong 11 năm với 0,5 điểm phần trăm. Dự kiến sẽ có thêm một đợt tăng nữa vào tháng Chín. Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định, nếu nền kinh tế châu Âu chìm vào suy thoái có thể ngăn chặn hàng loạt đợt tăng lãi suất của ECB.

Trong khi đó, nền kinh tế Mỹ có vẻ mạnh mẽ hơn. Điều này  có nghĩa là FED có thể tiếp tục thắt chặt và nới rộng khoảng cách lãi suất.

Ai lợi?

Khách du lịch Mỹ ở châu Âu sẽ thấy hóa đơn khách sạn, nhà hàng và vé tham quan rẻ hơn. Đồng Euro yếu có thể khiến hàng hóa xuất khẩu của châu Âu cạnh tranh hơn về giá tại Mỹ. Mỹ  và EU là các đối tác thương mại lớn, vì vậy sự thay đổi tỷ giá hối đoái sẽ được chú ý.

Tại Mỹ, đồng USD mạnh hơn đồng nghĩa với việc giảm giá hàng hóa nhập khẩu - từ ô tô, máy tính đến đồ chơi và thiết bị y tế - qua đó có thể giúp kiềm chế lạm phát.

Ai thiệt?

Các công ty Mỹ kinh doanh ở châu Âu sẽ bị giảm doanh thu nếu họ chuyển doanh thu về Mỹ. Nếu vẫn để ở châu Âu để trang trải chi phí thì  tỷ giá hối đoái sẽ không còn là vấn đề nữa.

Mối lo chính đối với Mỹ khi đồng USD mạnh là nó làm cho các sản phẩm do nước này sản xuất đắt hơn ở thị trường nước ngoài, làm gia tăng thâm hụt thương mại và giảm sản lượng kinh tế, trong khi tạo lợi thế về giá cho các sản phẩm nước ngoài tại Mỹ.

Đồng Euro yếu có thể là một vấn đề đau đầu đối với Ngân hàng Trung ương châu Âu vì nó có thể đồng nghĩa với việc giá hàng hóa nhập khẩu cao hơn, đặc biệt là dầu, được định giá bằng USD. 

ECB đang gặp khó trong tình thế: Tăng lãi suất, liều thuốc điển hình cho lạm phát, nhưng tăng với  tỷ lệ cao hơn cũng có thể làm chậm tăng trưởng kinh tế.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước