Điều đáng nói, dù luật đã có những quy định xử phạt, thế nhưng tình trạng này đến nay vẫn không thuyên giảm. Theo Cục quản lý đấu thầu, Bộ KH&ĐT hiện có ít nhất có 140 nhà thầu đang phải chịu xử phạt, cấm đấu thầu từ các bộ, ngành, địa phương.
Năm 2016, Công ty CP in Hà Nội đã bị Tổng cục Thống kê ra quyết định cấm tham gia đấu thầu trong vòng 5 năm. Vì trong hồ sơ dự thầu, doanh nghiệp này đã cung cấp các tài liệu liên quan đến hợp đồng tương tự là không chính xác. Cung cấp bằng tốt nghiệp giả của của số nhân sự chủ chốt.
Năm 2018, UBND tỉnh Nghệ An đã ra quyết định cấm đấu thầu 4 năm đối với Công ty CP Tư vấn và xây dựng Khang Hiền, trú trên địa bàn vì làm giả hồ sơ để trúng thầu. Các hợp đồng tương tự mà doanh nghiệp này cung cấp đều không có thật. Báo cáo tài chính cung cấp tại hồ sơ đấu thầu không phù hợp với quyết toán thuế.
Cũng trong năm 2018, UBND tỉnh Nghệ An cũng ra quyết định cấm tham gia đấu thầu trong vòng 4 năm cho 3 công ty khác, do gian dối trong hồ sơ dự thầu.
Theo đại diện Cục Quản lý đấu thầu (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), hiện nay đã có 140 tổ chức, cá nhân bị các bộ, ngành, địa phương ra quyết định xử phạt vì có vi phạm về pháp luật đấu thầu; trong đó có khá nhiều trường hợp do gian dối hồ sơ dự thầu. Việc này tác động trực tiếp làm sai lệch kết quả lựa chọn nhà thầu, ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ, chất lượng thi công các công trình có nguồn vốn từ ngân sách.
Theo quy định, nếu doanh nghiệp gian lận trong hồ sơ dự thầu, ngoài việc bị cấm đấu thầu có thời hạn thì còn có thể bị khởi tố hình sự nếu gây thiệt hại từ 100 triệu đồng trở lên. Tuy nhiên, thực tế rất hiếm có trường hợp nào bị khởi tố.
Gian lận hồ sơ dự thầu đang là thực trạng, có ảnh hưởng trực tiếp, làm sai lệch kết quả lựa chọn nhà thầu của các chủ đầu tư. Thực tế, đã có không ít công trình bị chậm tiến độ cả vài năm do năng lực thi công của nhà thầu yếu kém.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!