Vạch trần thủ đoạn doanh nghiệp bất lương làm giá, gây sốt đất, sốt giá nhà

Theo Dân trí-Chủ nhật, ngày 25/04/2021 06:41 GMT+7

VTV.vn - Theo chuyên gia, thủ phạm chính của các đợt sốt đất, sốt giá nhà, sốt giá đất nền là giới "đầu nậu, cò đất, doanh nghiệp bất lương".

Vạch thủ phạm chính

Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) - cho biết, trong 15 năm gần đây, thị trường bất động sản đã phát triển vượt bậc, nhưng vẫn chưa đạt được mục tiêu phát triển minh bạch, lành mạnh, ổn định, bền vững.

Theo đó, kể từ năm 2017, thị trường bất động sản lặp đi lặp lại nhiều đợt sốt đất, nhất là cơn sốt đất xảy ra liên tiếp trên diện rộng hiện nay, gây ra nhiều hệ quả tiêu cực, làm mất cơ hội tạo lập nhà ở của đông đảo người có thu nhập trung bình, người có thu nhập thấp đô thị, công nhân lao động và người nhập cư, ảnh hưởng đến an sinh và trật tự xã hội.

"Thủ phạm chính của các đợt sốt đất, sốt giá nhà, sốt giá đất nền là giới "đầu nậu, cò đất, doanh nghiệp bất lương" thực hiện các thủ đoạn tung tin đồn thổi, làm giá - thổi giá, lợi dụng "tâm lý đám đông - hám lợi", cài "chim mồi" giao dịch mua bán giả tạo và thừa cơ hội "đục nước béo cò", trục lợi bất chính và trong một số trường hợp đã có sự móc nối, tiếp tay, "chống lưng" của cán bộ cơ sở", lãnh đạo HoREA nêu rõ.

Mới đây, cộng đồng mạng đã xôn xao với bài "bóc phốt" hình thức lừa đảo mới của các công ty bất động sản làm ăn gian dối. Theo đó, khách mua sẽ được tổ chức đi xem đất trên một chuyến xe chung. Trên xe 16 chỗ đó sẽ có 4 nhân viên môi giới, còn lại là khách hàng.

Vạch trần thủ đoạn doanh nghiệp bất lương làm giá, gây sốt đất, sốt giá nhà - Ảnh 1.

Nhiều chiêu trò dẫn khách vào vòng xoáy mua bán (ảnh minh họa).

Tuy nhiên thực tế, khách mua lại chỉ có 1 - 2 người, còn lại đều là người của các sàn giao dịch cài vào trong vai người mua đất. Khi xe lăn bánh, rèm xe sẽ được kéo lại với lý do tránh nắng, nhưng thực chất là để khách mua không biết mình đang đi đâu. Khi đến nơi, các giao dịch của nhân viên môi giới và người đóng giả là khách hàng liên tục nổ ra, đánh vào lòng tham của người mua thật.

Còn theo lãnh đạo UBND TP. Hạ Long, thời gian qua có hiện tượng những người môi giới không thực hiện giao dịch đối với các thửa đất đã được cấp sổ đỏ mà chủ yếu thực hiện giao dịch với các ô đất quy hoạch thuộc một số dự án. Lãnh đạo TP nhận định đây là hoạt động "làm thị trường" của các nhóm đầu cơ có tổ chức, có kịch bản được chuẩn bị kỹ lưỡng.

Các đối tượng đầu cơ này đã âm thầm chuẩn bị mua đất tại các dự án trên từ thời gian trước với mức giá rẻ, sau đó lợi dụng thông tin về quy hoạch phát triển đô thị, đã bằng mọi cách tung ra thị trường các tin gây "sốt", qua đó đẩy giá đất tăng cao trong thời gian ngắn nhằm tạo "sóng ảo" về nhu cầu, khiến cho giới đầu tư và người dân thấy bất động sản khu vực này đang giao dịch rất sôi động.

Tuy nhiên, đây thực chất là các hoạt động mua đi bán lại với nhau trong chính các nhóm môi giới đang thao túng thị trường, tạo các giao dịch "mồi" để dụ các khách hàng "nhẹ dạ cả tin" vào mua đất.

Cách nào dẹp yên?

Trao đổi với phóng viên, lãnh đạo Cục quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng), cũng cho biết thực tế có hiện tượng các nhà đầu tư, người môi giới bất động sản lợi dụng các thông tin về quy hoạch để tung tin đồn thổi, đẩy giá lên cao. Những nhà đầu tư thứ cấp thì theo tâm lý đám đông mua gom, chờ lên giá tạo nên cơn sốt ảo trong thời gian ngắn tại các khu vực này.

Để xử lý vấn đề này, Cục quản lý nhà và thị trường bất động sản nhấn mạnh đến giải pháp cần tăng cường công tác quản lý, giám sát và thanh tra, kiểm tra để kịp thời nắm bắt thông tin nhằm ngăn chặn, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật (về đất đai, về kinh doanh bất động sản và pháp luật có liên quan), tung tin, đồn thổi, quảng cáo thất thiệt để lợi dụng trục lợi, gây bất ổn cho thị trường, ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự xã hội địa phương và đời sống của người dân

Một số chuyên gia cho biết, ở Anh hay Hồng Kông, các môi giới phải được cấp bằng cấp để hoạt động trong lĩnh vực này. Trong khi đó, thị trường Việt Nam đang tồn tại vấn đề liên quan đến các cá nhân môi giới bất động sản không có bằng cấp và chứng chỉ hợp lệ, với việc họ tự ý đẩy giá lên, làm ảnh hưởng đến giá đất thật sự của thị trường.

Hơn nữa, Việt Nam vẫn chưa có cơ quan xác định để lưu trữ các thông tin thiết thực như các giao dịch trên thị trường. Hiện giá mua bán tuy vẫn được ghi nhận nhưng những con số này không thực sự phản ánh giá giao dịch thực giữa người mua và người bán.

Ngoài giải pháp xử lý nghiêm trường hợp tung tin đồn thổi, dẹp yên sự bát nháo của chiêu trò giới "cò". các chuyên gia cũng hướng tới giải pháp "dài hơi" hơn để đặc trị sốt đất.

Theo ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch HoREA, cần sớm ban hành thuế chống đầu cơ nhà, đất. Theo đó, đề xuất đánh thuế thu nhập với thuế suất rất cao đối với hành vi bán, chuyển nhượng lại nhà, đất ngay sau khi tạo lập, để triệt tiêu ý chí "đầu cơ" của nhà đầu tư "lướt sóng" (vì không còn có thể đạt được mục tiêu lợi nhuận như kỳ vọng), trong trường hợp thị trường bất động sản có dấu hiệu bị đầu cơ, sốt nóng "bong bóng".

Lãnh đạo HoREA cũng đề xuất nguyên tắc là người sở hữu nhà đất dùng để ở thì chịu mức thuế thấp nhất. Người sở hữu nhiều nhà đất mà không dùng để ở, hoặc không sử dụng để sản xuất, kinh doanh, thì chịu mức thuế suất lũy tiến tùy theo số lượng nhà đất sở hữu. Trong trường hợp thị trường bất động sản bị đầu cơ, thì có thể áp dụng thuế suất rất cao để triệt tiêu ý chí đầu cơ.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước