Năm 2023, thu thuế trong lĩnh vực thương mại điện tử là gần 97.000 tỷ đồng, tăng hơn 16% so với năm 2022. Sự nỗ lực này trước hết là nhờ việc xác thực và quản lý thông qua mã định danh cá nhân, theo đề án 06 của Chính phủ. Các bộ, ngành như Tài chính, Công an, Công Thương, Thông tin và Truyền thông và Ngân hàng Nhà nước đã và đang kết nối dữ liệu để quản lý chặt chẽ hơn toàn bộ các hoạt động thương mại điện tử. Thế nhưng, vẫn còn một tỷ lệ thất thu thuế đáng kể khi hoạt động thương mại điện tử trên mạng xã hội hiện nay đang rất phức tạp.
Từ dữ liệu khớp nối thông tin giữa căn cước công dân của các cá nhân kinh doanh trên các sàn thương mại điện tử gắn với mã số thuế và tài khoản ngân hàng, anh Mạnh - chủ một shop online trên sàn thương mại điện tử được xác định trong diện nộp thuế kinh doanh qua mạng.
Anh Nguyễn Thế Mạnh - Chủ gian hàng Phụ kiện giày Ximo trên Shopee cho biết: "Từ năm 2018-2023, số tiền thuế tôi phải nộp tiền thuế cũng như tiền chậm nộp tổng cộng là 325 triệu".
Dù vô tình do thiếu hiểu biết về pháp luật về thuế, hay cố ý, thì vẫn có những cá nhân, doanh nghiệp thiếu sót trong thực hiện nghĩa vụ thuế.
Theo Bộ Tài chính, tổng số các tổ chức, cá nhân kinh doanh thương mại điện tử đưa vào diện rà soát là 31.570 trường hợp và đã truy thu thuế, xử lý vi phạm là gần 22.160 cơ sở kinh doanh với số thuế tăng thêm là 2.900 tỷ đồng. Có thể thấy, nếu không rà soát kỹ lưỡng, số thuế có thể thất thu qua thương mại điện tử là rất lớn.
Ông Hồ Đức Phớc - Bộ trưởng Bộ Tài chính nhận định: "Lấy định danh thuế là căn cước công dân. Ở lĩnh vực thanh toán cũng phải theo căn cước công dân để đồng bộ hóa thì chúng ta mới đối chiếu được".
Còn với nguồn thuế thu từ hoạt động thương mại điện tử xuyên biên giới, 5 tháng đầu năm, các nhà cung cấp nước ngoài như Meta, Google, Youtube, TikTok… đã nộp hơn 4.000 tỷ đồng tiền thuế. Với khoản nộp thêm này, lũy kế từ tháng 3/2022 - thời điểm cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài vận hành, các doanh nghiệp ngoại đã nộp 15.600 tỷ đồng. Rõ ràng, nguồn thu thuế qua thương mại điện tử còn rất lớn và dễ bị bỏ lọt.
Ông Nguyễn Bằng Thắng - Cục trưởng Cục Thuế doanh nghiệp lớn, Tổng cục Thuế nhận định: "Tuyên truyền thông qua nhiều kênh đến các nhà cung cấp nước ngoài, khi chúng tôi phát hiện có doanh thu và thông qua các đại sứ quán, nơi các nhà cung cấp nước ngoài có đăng ký lý lịch, đóng trụ sở chính".
Từ ngày 1/1/2025, Bộ Tài chính áp dụng thêm sử dụng số căn cước công dân làm mã số thuế, thực hiện theo Đề án 06 của Chính phủ. Giải pháp này cũng sẽ khiến rà soát thuế thuận lợi hơn, hạn chế bỏ lọt các cá nhân, doanh nghiệp phải nộp thuế qua mạng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!