VASEP kiến nghị giảm lãi vay, giãn nợ cho doanh nghiệp thủy sản

Ban Thời sự-Thứ ba, ngày 20/06/2023 14:37 GMT+7

VTV.vn - Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) vừa gửi đề xuất các giải pháp giúp tháo gỡ khó khăn cho ngành thuỷ sản.

Theo đó, Hiệp hội Hiệp hội thuỷ sản Việt Nam (VASEP) đề xuất Chính phủ, Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước quan tâm xem xét điều chỉnh lãi suất vay USD xuống dưới 4% để hỗ trợ cho doanh nghiệp xuất khẩu.

Đồng thời cho các doanh nghiệp thủy sản được giãn nợ 4 - 6 tháng đối với các khoản vay đến hạn phải trả trong quý II - III năm nay và tiếp tục được vay theo hạn mức trong bối cảnh giảm xuất khẩu của 6 tháng đầu năm để các doanh nghiệp có thể thu gom ổn định nguồn nguyên liệu của nông - ngư dân và chế biến, trữ hàng chuẩn bị cho xuất khẩu ở các quý tiếp theo trong năm nay.

VASEP cho rằng cần có gói tín dụng 10.000 tỷ đồng để kích cầu hỗ trợ cho doanh nghiệp thủy sản thu mua nguyên liệu cho nông dân.

Ngoài ra, Hiệp hội cũng đề xuất giảm chi phí kinh doanh thông qua chính sách thuế, phí, mức đóng BHXH và thời điểm đóng BHXH; giảm chi phí, hỗ trợ sản xuất kinh doanh và xuất - nhập khẩu, duy trì chuỗi cung ứng, việc làm; vướng mắc trong quy định về phòng cháy chữa cháy và thủ tục đầu tư, cấp phép xây dựng dự án cũ của doanh nghiệp.

VASEP kiến nghị giảm lãi vay, giãn nợ cho doanh nghiệp thủy sản - Ảnh 1.

Công nhân làm việc tại một nhà máy chế biến tôm. (Ảnh: Báo Đầu tư)

Theo VASEP, các doanh nghiệp thủy sản chủ yếu sản xuất hàng xuất khẩu nên thường vay USD. Từ quý III/2022, nhiều ngân hàng đã thông báo và áp dụng ngay sau đó việc tăng lãi suất vay USD từ 2,1 - 2,8%/năm lên mức 3 - 3,3%/năm và thậm chí đến 4,5%/năm và hiện tại thì đa phần đang ở mức cao 4,1 - 4,9%/năm; có những doanh nghiệp nhận lãi suất cao hơn 5%/năm trong bối cảnh sụt giảm của sản xuất - xuất khẩu thủy sản.

Ngoài lãi suất đã cao, doanh nghiệp thuỷ sản còn đang chịu thêm các khoản phí khác như phí chuyển tiền từ nước ngoài về (0,05%), phí thanh toán L/C (0,1%), phí ký hậu Bill (10 USD), phí xử lý chứng từ (10 USD), phí chấp nhận L/C trả chậm (50 USD),…

Cùng với đó, các doanh nghiệp sản xuất là đối tượng cần được hỗ trợ về vốn để đầu tư, phát triển nhưng còn chịu thêm việc áp trần chi phí lãi vay để tính thuế thu nhập gây ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh, cũng như dòng tiền của doanh nghiệp trong các năm đầu khi mới đầu tư.

Việc hạn chế cho vay dưới mức tín dụng được cấp, các khoản vay mới chỉ được giải ngân tương ứng với khoản vay cũ khi phải trả nợ trước đó cũng là vấn đề đáng quan ngại. Từ bối cảnh khó khăn trên đã gây ra áp lực và căng thẳng với các doanh nghiệp thuỷ sản.

VASEP: Năm 2023, ngành thủy sản đối mặt nhiều khó khăn VASEP: Năm 2023, ngành thủy sản đối mặt nhiều khó khăn

VTV.vn - Ngành thủy sản năm 2023 sẽ có nhiều khó khăn, do phụ thuộc vào tình hình thế giới, nhiều đơn hàng của doanh nghiệp bị hoãn đến cuối quý 1 năm sau, theo VASEP.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước