"Vết sẹo" lâu dài của ngành du lịch

Thùy An-Thứ bảy, ngày 17/04/2021 06:00 GMT+7

VTV.vn - Kinh tế Việt Nam tiếp tục phục hồi, song tăng trưởng của các ngành đang cho thấy sự không đồng đều.

Ngân hàng Thế giới (World Bank) vừa công bố báo cáo Cập nhật Tình hình Kinh tế vĩ mô Việt Nam tháng 4/2021.

Việt Nam tăng trưởng GDP đạt 4,5% (so cùng kỳ năm trước) trong quý I năm 2021. Theo World Bank, mức tăng này tuy vẫn thấp hơn so với các mức trước đại dịch, nhưng tốc độ tăng trưởng này đã phản ánh quá trình phục hồi đang diễn ra trong nền kinh tế, dù dịch bùng phát trong cộng đồng đã dẫn đến lây nhiễm đợt ba ở miền bắc Việt Nam trong tháng 2.

Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng có sự khác biệt đáng kể giữa các ngành. Một mặt, nông nghiệp không bị ảnh hưởng nhiều bởi cú sốc, tăng trưởng 3,2% (so cùng kỳ năm trước) và ngành công nghiệp và xây dựng tăng tốc từ 5,6% (so cùng kỳ năm trước) trong quý cuối năm 2020 lên 6,3% (so cùng kỳ năm trước) nhờ nhu cầu mạnh mẽ từ khu vực kinh tế đối ngoại.

Vết sẹo lâu dài của ngành du lịch - Ảnh 1.

Mặt khác, ngành dịch vụ chỉ tăng trưởng 3,3% (so cùng kỳ năm trước), bằng khoảng một nửa so với tốc độ tăng trưởng trước đại dịch. Đặc biệt, các lĩnh vực liên quan đến du lịch vẫn suy giảm nặng nề khi dịch vụ lưu trú và ăn uống giảm 4,5% so với cùng kỳ năm trước.

"Tình hình đi lại ở các chợ tạp hóa và nơi làm việc đã phục hồi lại mức như trước COVID-19 vào đầu tháng 02/2020. Mặc dù vậy, tình hình đi lại ở các đầu mối giao thông công cộng và quán ăn nhà hàng vẫn thấp hơn so với trước đại dịch, thể hiện "vết sẹo" lâu dài do khủng hoảng gây ra cho ngành du lịch", World Bank cho biết.

Giá cả tăng

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) là điểm đáng chú ý khác trong báo cáo của World Bank. Theo đó, CPI tăng 0,22% (so tháng trước) và 1,1% (so cùng kỳ năm trước) trong tháng 03/2021.

Lạm phát CPI cao hơn chủ yếu là do Chính phủ điều chỉnh tăng giá xăng dầu khoảng 6,9% vào cuối tháng 02 và trong tháng 03, sau khi giá dầu thô trên thị trường thế giới tăng đều đặn từ tháng 10/2020. Giá thực phẩm giảm nhẹ so với tháng trước đó vì nhu cầu thực phẩm chững lại sau kỳ nghỉ Tết.

Vết sẹo lâu dài của ngành du lịch - Ảnh 2.

Chỉ số giá tiêu dùng trong tháng 3 tiếp tục xu hướng tăng

Theo World Bank, các cơ quan chức năng dường như đã chuyển sang chính sách tài khóa trung lập hơn khi nền kinh tế đã và đang phục hồi.

Cụ thể trong quý I/2021, Chính phủ thu ngân sách 403,7 ngàn tỷ đồng (tăng 3,2 % so cùng kỳ năm trước) trong khi tổng chi giảm 0,4% (so cùng kỳ năm trước) xuống còn 341,9 ngàn tỷ đồng, dẫn đến bội thu ngân sách trên 60 ngàn tỷ đồng, cao hơn 29% so với cách đây một năm.

Thu ngân sách cao phản ánh khu vực kinh tế trong nước trở nên mạnh hơn và nhập khẩu tăng trưởng ổn định, với thu từ hoạt động xuất nhập khẩu tăng 9,7% (so cùng kỳ năm trước). Giải ngân vốn đầu tư công đảm bảo tiến độ, với tỷ lệ giải ngân khoảng 13%, tương đương quý I năm 2020. Đến cuối tháng 03/2021, Kho bạc Nhà nước huy động được tổng cộng 39,2 ngàn tỷ đồng, bằng 39% kế hoạch quý I năm 2021.

Trái phiếu phát hành chủ yếu có kỳ hạn 10 và 15 năm. Chi phí vay nợ tăng nhẹ, với lợi suất trái phiếu kho bạc 10 năm vào ngày 25/03 ở mức 2,27%, nghĩa là cao hơn 10 điểm cơ bản so với tháng 2.

Theo World Bank, chính sách tài khóa trung lập hơn là chính sách đúng đắn khi nền kinh tế phục hồi, nhưng quá trình phục hồi có thể gặp phải những cú sốc mới hoặc khó khăn kéo dài ở một số lĩnh vực của nền kinh tế.

"Các cấp có thẩm quyền nên cân nhắc tiếp tục các biện pháp tài khóa và tiền tệ nếu khủng hoảng vẫn tiếp diễn, và nền kinh tế không phục hồi nhanh như dự kiến", World Bank nhận định.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước