Sau hàng loạt dữ liệu việc làm kém khả quan, thì một yếu tố quan trọng được các chuyên gia trên thị trường xem xét đó chính là sự phục hồi của đồng Yen Nhật Bản và tác động của nó đến giao dịch carry trade.
Đối với các nhà đầu tư, thì "carry trade" - hay còn gọi là giao dịch chênh lệch lãi suất là một chiến lược đầu tư khá phổ biến, liên quan đến việc vay tiền bằng một loại tiền tệ có lãi suất thấp, sau đó tái đầu tư số tiền này vào các tài sản có tỷ suất sinh lời cao hơn. Nhật Bản từ lâu đã có lãi suất rất thấp hoặc thậm chí là âm, điều này làm cho việc vay tiền bằng đồng Yen trở nên rẻ hơn. Chẳng hạn, nếu nhà đầu tư vay bằng đồng Yen với lãi suất 0.5%, sau đó quy đổi sang USD, và kiếm được lợi nhuận 5% từ trái phiếu Mỹ, thì sự chênh lệch (4.5%) là lợi nhuận.
Tuy nhiên, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) đã thay đổi chính sách tiền tệ vào tháng 3 năm nay, chấm dứt duy trì lãi suất 0%, và thực hiện tăng lãi suất lần đầu tiên sau 17 năm. Và đến tháng 7 vừa rồi, BOJ lại tiếp tục tăng lãi suất lên khoảng 0,25%.
Theo đó, cập nhật trong phiên giao dịch hôm nay, đồng Yen đã ghi nhận mức cao nhất so với đồng USD kể từ tháng 1/2024. 1 USD đổi 143 Yen.
Tuy nhiên giới quan sát lại bắt đầu lo lắng về rủi ro ngân hàng Trung ương Nhật Bản đã vô hình kích hoạt quả bom "carry trade" khổng lồ trị giá 20.000 tỷ USD. Như với nhận định của chuyên trang tài chính CNBC.
Mục Quan điểm của Marketwatch đưa ra 1 tiêu đề có phần gây sốc: Cổ phiếu của các nhà đầu tư hiện tại, hoàn toàn dựa vào "sự nhân từ" của đồng Yen. Đó là bởi các chuyên gia đều có chung nhận định: Làn sóng tăng giá gần đây của đồng Yen, kết hợp với việc BOJ tăng lãi suất, đã tạo ra tâm lý chung bất ổn cho các nhà đầu tư, không chỉ ở 1 vài thị trường như Mỹ hay Nhật Bản, mà là trên khắp toàn cầu, khi các thị trường và tài sản tài chính đều có sự liên thông.
Bà Jessica Hinds - Chuyên gia kinh tế hãng xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings cho biết: "Nhiều người có lẽ sẽ bất ngờ với mối quan hệ chặt chẽ giữa chính sách tiền tệ của Nhật Bản với các tài sản của Mỹ. Và khi đồng Yen tăng giá, các nhà đầu tư đi vay đồng tiền này sẽ chịu áp lực lớn. Nhiều nhà đầu tư có thể phải bán bớt một số tài sản, chẳng hạn như trái phiếu kho bạc Mỹ hay cổ phiếu Mỹ để không phải chịu lỗ từ khoản vay đồng Yen".
Đà lao dốc của thị trường Mỹ còn được thúc đẩy bởi báo cáo Bảng lương phi nông nghiệp cuối tuần trước, với các dữ liệu thị trường lao động hạ nhiệt nhanh hơn kỳ vọng, đã làm tăng thêm rủi ro suy thoái. Nhà đầu tư chuyển bớt danh mục sang các tài sản trú ẩn an toàn, mà Yen Nhật là 1 trong số đó. Điều này lại kéo đồng Yen tiếp tục lên cao - tăng tới 3% trong phiên hôm nay, khiến cho sàn Tokyo càng thêm biến động.
"Tôi nghĩ các nhà đầu tư ngắn hạn đã phần nào có tâm lý hoảng loạn sau nhiều thông tin xấu về kinh tế Mỹ và lãi suất của BOJ. Các cổ phiếu Nhật Bản đã đi lên một thời gian dài, và giờ là thời điểm bắt đầu điều chỉnh", ông Hirofumi Kasai - Chuyên gia chiến lược đầu tư, Công ty Quản lý đầu tư Tokio Marine nhận định.
Các chuyên gia của ngân hàng đầu tư UBS ví việc đầu tư tại Nhật Bản hiện giống như "chơi trò bắt dao", bởi nhiều cổ phiếu từng tăng giá mạnh trên thị trường liên quan đến xuất khẩu và tiêu dùng, vốn hưởng lợi từ đồng Yen yếu. Sự tăng giá của đồng Yen sẽ làm giảm lợi nhuận của các công ty trên, dẫn đến làm thiệt hại cho giới đầu tư. Tuy nhiên cũng có chuyên gia nhận định, đà điều chỉnh hiện nay là bình thường, và sẽ không có ảnh hưởng lâu dài, nhất là khi mùa báo cáo quý II vẫn đang cho thấy sự ăn nên làm ra của nhiều doanh nghiệp lớn toàn cầu.
Chúng ta sẽ phải tiếp tục chờ đợi xem liệu lộ trình lãi suất của ngân hàng Trung ương Nhật Bản có thay đổi không, khi các đợt tăng lãi suất vừa qua đã làm chao đảo thị trường chứng khoán Nhật Bản lẫn toàn cầu.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!