Đồng tiền số Bitcoin đã mất giá hơn 11%, từ 62.000 USD xuống còn 55.000 USD/Bitcoin - đây là mức thấp nhất kể từ cuối tháng 3. Đồng tiền số lớn nhất thế giới tiếp tục giảm sâu ở phiên gần nhất, rời khỏi mốc 50.000 USD và "bốc hơi" hơn 20% so với mức cao kỷ lục 64.829 USD vào ngày 14/4 vừa qua.
Giá Bitcoin đang lao dốc mạnh. (Ảnh minh họa: WSJ)
Thời điểm Bitcoin chạm đỉnh diễn ra cùng lúc với Coinbase niêm yết trên sàn Nasdaq. Cả 2 sự kiện này đã đánh dấu thời kỳ đỉnh cao của một đợt tăng giá "gây sốt" thị trường tiền số. Giá đồng Bitcoin đã tăng hơn gấp 3 lần vào năm 2020 và tăng gấp đôi vào đầu năm 2021 trước khi lao dốc mạnh như hiện nay.
Đợt tăng giá bắt đầu chững lại vào cuối tuần trước, khi giá Bitcoin đột ngột giảm 17% xuống còn 52.149 USD. Dù đã hồi phục sau cú lao dốc này song giá Bitcoin vẫn từ từ đi xuống, hiện dao động quanh ngưỡng 50.000 USD.
The Guardian cho hay, có nhiều lý do dẫn tới việc Bitcoin đột ngột giảm giá, trong đó có sự kiện ngân hàng trung ương Thổ Nhĩ Kỳ cấm sử dụng tiền điện tử để giao dịch, mua bán vì lo ngại rủi ro tài chính. Lệnh cấm sẽ có hiệu lực từ ngày 30/4 tới.
Thêm vào đó, Ấn Độ cũng đang đề xuất dự luật ngăn cấm mọi hoạt động liên quan đến tiền điện tử, đồng thời đặt ra quy định xử phạt hành chính cho bất cứ ai vi phạm.
CoinMarketCap cũng vừa báo cáo tình trạng mất điện tại khu vực Tân Cương của Trung Quốc - nơi diễn ra nhiều hoạt động khai thác Bitcoin. Theo đó, gần một nửa mạng Bitcoin ở Tân Cương đã rơi vào trạng thái ngoại tuyến trong vòng 48 giờ.
Sự cố mất điện xảy ra do công tác bảo trì sau trận lụt lớn và vấn đề an ninh tại các trạm điện ở Trung Quốc. Nhà phân tích Bitcoin kỳ cựu Willy Woo cho biết, hash rate (tỷ lệ băm - là đơn vị đo lường khả năng giải thuật toán của thiết bị đào tiền mã hóa, trong đó có bitcoin) và giá Bitcoin luôn có tương quan mật thiết với nhau, do đó sự cố mất điện ở Tân Cương là nguyên nhân khiến hash rate giảm và khiến giá trị Bitcoin đi xuống. WSJ dẫn lời chuyên gia Michael Oliver của công ty nghiên cứu Momentum Structural Analysis cho rằng, động lực của Bitcoin gần đây đã có dấu hiệu giảm sút. Kể từ khi Bitcoin lần đầu vượt qua mốc 60.000 USD vào cuối quý 1/2021, tốc độ tăng đã chậm lại và chỉ được giao dịch trong phạm vi tương đối hẹp. Đây là một dấu hiệu cho thấy rằng đà tăng của đồng Bitcoin có thể chững lại, ông Michael Oliver nhận định.
Theo CoinMarketCap, 220 tỷ USD vốn hóa tiền số đã bị xóa sạch chỉ trong 1 giờ. Hiện tại, vẫn chưa rõ yếu tố nào đứng sau, châm ngòi cho đợt bán tháo Bitcoin.
Một số nhà phân tích cho rằng, nguyên nhân là tin đồn trên Twitter về việc Bộ Tài chính Mỹ chuẩn bị có động thái mạnh tay với một số tổ chức tài chính bị cáo buộc sử dụng tiền điện tử để rửa tiền. Tuy nhiên, người phát ngôn của cơ quan này từ chối bình luận.
Dù yếu tố đã khơi mào cho đợt bán tháo là gì thì các nhà phân tích đều chung quan điểm rằng Bitcoin đã tăng tốc nhờ sự bùng nổ của một lượng lớn các giao dịch sử dụng đòn bẩy trên các sàn giao dịch phái sinh tiền số ở nước ngoài. Những sàn này vốn được quản lý thiếu nghiêm ngặt.
Theo nhà cung cấp dữ liệu Bybt, tổng cộng, nhà đầu tư đã bán tháo 10,1 tỷ USD giá trị tiền số trên các sàn giao dịch. Hơn 90% số vị thế bị bán tháo đến từ khoản đặt cược tăng giá vào Bitcoin hoặc các đồng tiền số khác. Thậm chí, gần 5 tỷ USD vị thế bị thanh lý đã diễn ra chỉ trên một sàn là Binance.
Các sàn giao dịch như Binance cho phép nhà đầu tư nhỏ lẻ gửi trước một số tiền tương đối nhỏ để đặt cược cho khoản lớn hơn. Ví dụ, giả sử một số trader mua hợp đồng tương lai sẽ nhận được lợi nhuận nếu giá Bitcoin tăng so với đồng USD.
Nếu Bitcoin tăng, lợi nhuận của trader có thể lớn hơn nhiều so với việc họ mua Bitcoin. Tuy nhiên, nếu Bitcoin giảm, trader có thể phải gánh khoản lỗ lớn và phải nhanh chóng nạp thêm tiền vào tài khoản. Nếu không, sàn giao dịch sẽ tự động bán ra khoản nắm giữ của trader.
Một nguyên nhân khác của tình trạng hỗn loạn hồi tuần trước là một số sàn – bao gồm cả Binance, cho biết nền tảng giao dịch gặp trục trặc do khối lượng giao dịch lớn. Các trader cho biết, họ không thể truy cập các sàn này và khiến tình trạng biến động trở nên trầm trọng hơn. Trong khi đó, các sàn giao dịch phái sinh tiền số ở nước ngoài cung cấp cho nhà đầu tư nhỏ lẻ mức độ đòn bẩy cao.
Tuy nhiên, các trader cho biết tốc độ bán tháo vào tuần trước diễn ra quá nhanh, từ đó càng nhấn mạnh vai trò của những khoản đặt cược sử dụng đòn bẩy lớn. Nhiều trong số đó là của các nhà đầu tư nhỏ lẻ.
Ngoài ra, một số dấu hiệu khác cũng cho thấy động lực thúc đẩy của Bitcoin đang giảm dần. Đó là nhu cầu của nhà đầu tư tổ chức dần yếu đi và diễn biến không có gì nổi trội của Coinbase kể từ khi phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) hồi tuần trước.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!