Bảng giá sữa ở một cửa hàng đã được giữ nguyên trong khoảng 5 tháng trở lại đây. Trong khi theo số liệu thống kê mới nhất của Tổng cục Hải quan, giá nguyên liệu chính sản xuất sữa đã nhập khẩu về Việt Nam như bột sữa gầy, bột váng sữa và các nguyên phụ liệu khác trong tháng 9 đã giảm từ 0,48% đến 19,52% so với tháng 6. Tại sao giá sữa trong nước lại không giảm? Thắc mắc này đã được gửi đến đại diện Bộ Công Thương trong buổi họp báo thường kỳ diễn ra chiều 3/11.
Ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết: "Liên quan đến giá thì đến nay, Bộ Tài chính được phân công. Trách nhiệm của Bộ Công Thương là kiểm tra doanh nghiệp có bán giá đã được Bộ Tài chính phê duyệt hay chưa".
Đại diện Bộ Tài chính thì cho biết, đến nay chưa có doanh nghiệp nào đăng ký điều chỉnh giảm giá sữa, việc điều chỉnh giá là do doanh nghiệp quyết định, còn Bộ Tài chính chỉ thực hiện giám sát và điều tiết khi có bất ổn.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục quản lý giá, Bộ Tài chính cũng cho rằng: "Qua các tờ khai hải quan, chúng ta hoàn toàn có thể đánh giá mức độ điều chỉnh giảm của sữa thành phẩm. Chúng tôi chỉ quản lý giá các mặt hàng từ khi nhập khẩu vào trong nước".
Như vậy theo lời của đại diện Bộ Tài chính, việc giám sát giá sữa nguyên liệu nhập khẩu của các doanh nghiệp nằm trong tay Tổng cục Hải quan, nhưng đại diện cơ quan này lại cho biết: việc kiểm soát giá trị khai báo của sản phẩm là dựa vào lời khai của doanh nghiệp.
Theo ông Nguyễn Hoàng Tuấn, Phó Cục trưởng Cục thuế xuất nhập khẩu, Tổng cục Hải quan: "Doanh nghiệp có trách nhiệm tự kê khai, tính thuế và chịu trách nhiệm về việc kê khai tính thuế của mình. Cơ quan hải quan sẽ chịu trách nhiệm về việc kiểm tra, xác định giá. Trong trường hợp có nghi vấn thì sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp thực hiện quyền tham vấn để giải trình, chứng minh về trị giá khai báo của mình".
Có một điều dễ hiểu là khi giá nguyên liệu liên tục giảm, dù doanh nghiệp có giảm giá thành sản phẩm thì lợi nhuận của họ vẫn giữ nguyên. Để rồi 5 tháng nay, giá sữa trong nước vẫn không một lần nhúc nhích và thiệt thòi vẫn chỉ thuộc về người tiêu dùng.