Vì sao hàng loạt DNNN lớn chọn thời điểm đầu năm 2017 để lên sàn?

Ban Thời sự-Thứ ba, ngày 03/01/2017 20:58 GMT+7

VTV.vn - Hàng loạt doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) lớn đã lên sàn trong tuần đầu tiên giao dịch của năm mới. Vậy, tại sao các DNNN lại chọn thời điểm này?

Lễ đánh cồng khai trương phiên giao dịch chứng khoán đầu tiên của năm 2017 đã diễn ra sáng 3/1 tại Hà Nội với sự lên sàn đồng thời của 2 doanh nghiệp Nhà nước lớn là Vietnam Airlines và Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex).

Ước tính, giá trị cổ phiếu của 2 doanh nghiệp lên sàn ngày hôm nay (3/1) lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng, mà nhiều người còn gọi là những doanh nghiệp tỷ đô. Thực tế này khác hẳn với bối cảnh đầu năm 2016, khi lượng cung cổ phiếu dồi dào đã giúp cải thiện cả về lượng và chất cho thị trường.

Không chỉ có hai doanh nghiệp lớn là Vietnam Airline và Vinatex lên sàn, ngày hôm nay còn có Điện cơ Hà Nội và Licogi 12 sẽ chính thức giao dịch trên UPCoM. Những doanh nghiệp với giá trị vốn hóa hàng nghìn tỷ đồng này mở màn cho làn sóng niêm yết của nhiều doanh nghiệp khác như: Petrolimex, VEAM cùng những phiên IPO của các doanh nghiệp Nhà nước lớn. Có thể kể đến đợt IPO lớn từ Tổng Công ty Điện lực Dầu khí (PV Power), Tổng Công ty Dầu Việt Nam (PV Oil) và Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR). Ngoài ra, còn nhiều phiên IPO đang được nhà đầu tư chờ đợi như Tổng Công ty Vật tư Nông nghiệp (Vigecam), Tổng Công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD), Tổng Công ty Đầu tư phát triển đô thị và khu công nghiệp (IDICO), Tổng Công ty Xi măng Việt Nam hay Tổng Công ty Viễn thông Mobifone.

Bên cạnh đó, quá trình chuyển sàn của một số tổng công ty với giá trị vốn hóa lớn sau thời gian giao dịch trên UPCoM như Habeco, Viglacera, Tổng công ty Cảng hàng không cũng là điều đang được chờ đợi. Cuối cùng là thời điểm và mức độ thực hiện cam kết trong lộ trình thoái vốn Nhà nước tại 10 doanh nghiệp lớn tại SCIC đã được Chính phủ thông qua cũng sẽ mang lại nguồn cung hàng lớn cho thị trường.

Không hẳn chỉ đầu năm 2017 mà từ cuối năm 2016, đã có một làn sóng các doanh nghiệp có vốn đầu tư của Nhà nước lên sàn.

Theo Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính, hiện còn gần 400 doanh nghiệp Nhà nước đã cổ phần hóa, nhưng đến nay vẫn chưa đưa cổ phiếu lên sàn theo quy định. Có những doanh nghiệp đã IPO vài năm, thậm chí gần chục năm.

Tuy nhiên, tình trạng chây ỳ này sẽ khó có thể tiếp tục bởi năm vừa qua, Chính phủ, Bộ Tài chính đã đưa ra hàng loạt các quy định mới để xử lý các doanh nghiệp này. Theo quy định mới tại Thông tư 115, trong vòng 25 ngày (thời gian hoàn tất thủ tục) kể từ sau khi kết thúc IPO, các doanh nghiệp phải hoàn tất đưa cổ phiếu lên sàn. Việc này tạo sức ép buộc các doanh nghiệp vi phạm thời hạn phải đưa cổ phiếu lên sàn. Đồng thời, Nghị định 145/2016 có hiệu lực từ ngày 15/12/2016 cũng nâng mức phạt chậm niêm yết lên mức cao nhất là 400 triệu đồng. Những thay đổi này sẽ thúc đẩy các doanh nghiệp cổ phần hóa thực hiện nghĩa vụ niêm yết, đăng ký giao dịch trên thị trường chứng khoán.

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước