Báo cáo về lượng vốn vào đầu tư cho các công ty khởi nghiệp Đông Nam Á vừa được công bố gây bất ngờ khi trong quý II/2020, cao điểm dịch COVID-19 bùng phát, dòng vốn đầu tư không giảm mà thậm chí còn tăng mạnh hơn 90% so với cùng kỳ. Con số này phần nào cho thấy COVID-19 có thể phủ bóng đêm lên kinh tế toàn cầu, tuy nhiên một số nhóm doanh nghiệp, ngành nghề vẫn đang tìm thấy được ánh sáng.
Theo bộ phận nghiên cứu của DealStreetAsia, tổng giá trị lượng vốn đầu tư vào các công ty khởi nghiệp startup tại Đông Nam Á đạt 2,7 tỷ USD trong quý II vừa qua, tăng hơn 90% so với cùng kỳ năm ngoái. Việt Nam xếp thứ 3 về tỷ trọng nguồn vốn này, sau Indonesia và Singapore.
Trong tổng giá trị lượng vốn đầu tư, có hơn 60% là các thương vụ vòng vốn lớn trên 100 triệu USD, tập trung cho các startup đã có nhiều năm tăng trưởng, qua đó cho thấy nhà đầu tư vẫn đặt niềm tin vào các startup nhiều kinh nghiệm và đã nhiều lần chứng minh được thực lực của mình.
Các "kỳ lân" công nghệ, cách gọi công ty vốn hóa tỷ đô của khu vực như Tokopedia hay Gojek tiếp tục dẫn đầu danh sách gọi vốn trong bối cảnh chịu áp lực về cắt giảm chi phí vận hành.
Trước đây, lượng vốn cho startup ở Đông Nam Á có xu hướng tập trung cho mảng gọi xe công nghệ với 2 đại diện Grab và Gojek, trong quý II này lại chứng kiến sự vươn lên của các startup thương mại điện tử với giá trị gọi vốn gần 700 triệu USD, thanh toán điện tử với gần 500 triệu USD. Điều này không ngạc nhiên bởi đây là 2 lĩnh vực đại diện cho một nền kinh tế không tiếp xúc được cho là hưởng lợi từ dịch COVID-19.
Đại diện quỹ đầu tư mạo hiểm Insignia Ventures cho rằng, tác động của dịch bệnh đã buộc các công ty khởi nghiệp phải mạnh tay tính lại bài toán kinh doanh theo hướng hiệu quả cao hơn với chi phí thấp hơn, thể hiện qua làn sóng cắt giảm nhân sự ở các công ty từ lớn đến nhỏ ở khu vực.
Ông Tan Yinglan, đồng sáng lập Quỹ đầu tư mạo hiểm Insignia Ventures Partners, cho biết: "Các startup bị buộc phải cấu trúc lại các mảng kinh doanh của mình, tăng doanh số trực tuyến và độ gắn kết người dùng. Điều này có vẻ khiến nhà đầu tư có cái nhìn tích cực hơn về startup. Thứ hai là nhiều công ty cũng chạy đua lên phương án phòng ngừa những rủi ro bất định từ dịch bệnh, tôi nghĩ trong một số trường hợp, việc này còn giúp tiếp nhiên liệu cho sự tăng trưởng lớn hơn".
Dù vậy việc gia tăng đầu tư này có tiếp tục diễn ra trong các quý tiếp theo hay không vẫn là câu hỏi mà chưa ai dám nói chắc câu trả lời. Nếu tình hình dịch bệnh vẫn phức tạp, xu hướng quỹ đầu tư thắt chặt hầu bao sẽ là khó tránh khỏi hoặc các quỹ vẫn sẽ chấp nhận mạo hiểm, nhưng chỉ trong một vùng an toàn nào đó của mình.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!