Trung Quốc đã bất ngờ hạ lãi suất chủ chốt giữa lúc giới chức trách tìm cách thúc đẩy tăng trưởng cho nền kinh tế vốn đang chịu sức ép lớn từ tác động bởi các lệnh phong tỏa kiểm soát COVID-19 và cơn suy thoái ngày càng trầm trọng trên thị trường bất động sản. Đây là lần thứ 2 kể từ đầu năm, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) hạ lãi suất chủ chốt.
Sản lượng công nghiệp và bán lẻ tháng 7 của Trung Quốc ghi nhận tốc độ tăng trưởng thấp hơn nhiều so với kỳ vọng. Hoạt động sản xuất của Trung Quốc sụt giảm bất ngờ trong cùng thời điểm, xuống dưới ngưỡng 50 điểm, cho thấy sản xuất bị thu hẹp.
Về kim ngạch thương mại, lần đầu tiên thặng dư thương mại trong 1 tháng của Trung Quốc vượt con số 100 tỷ USD. Con số này đạt được lý giải nhờ đồng Nhân dân tệ yếu, các nhà máy hoàn thành và gửi đi nốt số đơn hàng tồn và giá hàng hóa tăng nhanh do lạm phát. Hiện chỉ số theo dõi đơn hàng đặt mới tại Trung Quốc đang giảm mạnh do cầu tiêu dùng toàn cầu yếu. Xuất khẩu khó có thể giữ được như trước.
Trụ sở Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) ở Bắc Kinh. (Ảnh: Xinhua)
Còn trên thị trường bất động sản đang có làn sóng người dân từ chối thanh toán khoản vay thế chấp cho ngân hàng. Trong khi còn khoảng 50 triệu căn hộ bỏ không đang khiến cho lĩnh vực bất động sản - vốn chiếm 1/4 GDP được ví như 1 quả bom nổ chậm.
Đáng chú ý, chỉ số giá tiêu dùng CPI đã tăng lên mức cao nhất 2 năm do giá thịt lợn tăng tới 20%. Lạm phát đã gần đạt tới ngưỡng mục tiêu của chính phủ là khoảng 3%.
Như vậy có thể thấy, tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc đang gặp nhiều thách thức trong khi lạm phát cũng đang tăng nhanh. Động thái hạ lãi suất của PBoC ngày 15/8 được các chuyên gia nhận định là đã phát đi thông điệp rằng, lạm phát tăng có thể đáng ngại, nhưng hiện mức độ ưu tiên chỉ đứng thứ hai, ít nhất là tại thời điểm này. Duy trì hồi phục kinh tế là trọng tâm của chính sách tiền tệ.
Mức độ giảm lãi suất tuy nhẹ chỉ 10 điểm cơ bản, nhưng là động thái thể hiện sự quyết đoán hơn nhiều, khi chỉ vài ngày trước đó, các quan chức của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) còn không ủng hộ phương án giữ nguyên hoặc giảm lãi suất vì nguy cơ lạm phát đang gia tăng.
Tháng 7, tăng trưởng tín dụng giảm mạnh, chỉ bằng 1/4 so với tháng trước. Nguyên nhân là do sự xáo trộn trên thị trường bất động sản đang đè nặng lên hoạt động cho vay của ngân hàng. Nhu cầu vay của khối doanh nghiệp cũng giảm bằng 1/10 so với trước đó.
Hồi tháng 5, PBoC cũng đã hạ lãi suất cơ bản cho khoản vay kỳ hạn 5 năm - vốn được dùng làm tham chiếu cho các khoản vay khác, từ 4,6% xuống còn 4,45%/năm. Đây được xem là mức giảm mạnh nhất từ năm 2019. Động thái được cho là nhắm chủ yếu đến giảm lãi suất cho vay đối với lĩnh vực bất động sản và xây dựng, nhưng hiện tín dụng vẫn giảm.
"Có vẻ như PBoC giờ đây đã xác định được đâu là vấn đề cấp bách hơn. Loạt dữ liệu mới nhất cho thấy đà tăng trưởng kinh tế trong tháng 7 yếu đi. Tăng trưởng tín dụng cũng giảm, phản ánh độ nhạy với sự nới lỏng chính sách đã yếu hơn so với các đợt suy giảm tăng trưởng trước đây", ông Julian Evans-Pritchard, chuyên gia kinh tế cấp cao, Capital Economics, đánh giá.
"Đợt giảm lãi suất này khiến chúng tôi ngạc nhiên. Đây chắc là phản ứng của Trung Quốc với dữ liệu cho thấy tăng trưởng tín dụng suy yếu công bố hôm thứ 6 tuần trước. Chính phủ Trung Quốc vẫn đang thận trọng về tăng trưởng và sẽ không sớm từ bỏ những nỗ lực bảo vệ tăng trưởng", bà Zing Zhaopeng, Chiến lược gia cao cấp, Ngân hàng ANZ, nhận định.
Hiện chưa thể kết luận liệu động thái giảm lãi suất mới nhất của PBoC có đủ để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng hay không. Bởi sự suy yếu gần đây của nhu cầu vốn vay có một phần nguyên nhân từ những vấn đề mang tính cơ cấu, phản ánh sự suy giảm niềm tin vào thị trường bất động sản và tình trạng bấp bênh gây ra bởi những gián đoạn do chiến lược Zero COVID-19. Những trở ngại này không thể được giải quyết một cách dễ dàng thông qua chính sách tiền tệ.
Theo tính toán của các chuyên gia, năm nay Trung Quốc sẽ bơm ra gần 5.300 tỷ USD để kích thích tăng trưởng, gần bằng 1/3 GDP năm 2021.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!