Vì sao Trung Quốc yêu cầu Alibaba thoái vốn khỏi báo, mạng xã hội?

Thùy An-Thứ ba, ngày 16/03/2021 17:28 GMT+7

VTV.vn - Yêu cầu này xuất phát từ lo ngại tầm ảnh hưởng quá lớn của những gã khổng lồ công nghệ như Alibaba.

Tờ Bloomberg sáng 16/3 dẫn lời một nguồn thạo tin cho hay, Chính phủ Trung Quốc đang yêu cầu Alibaba phải bán một số tài sản trong lĩnh vực truyền thông bao gồm cả tờ báo nổi tiếng South China Morning Post vì lo ngại về ảnh hưởng của tập đoàn này với dư luận trong nước.

Vì sao Trung Quốc yêu cầu Alibaba thoái vốn khỏi báo, mạng xã hội? - Ảnh 1.

Đế chế Alibaba với rất nhiều tài sản ở các lĩnh vực khác nhau trong đó có truyền thông, mạng xã hội

Nguồn tin này cũng cho biết, Bắc Kinh đã bày tỏ sự lo ngại về việc những tập đoàn như Alibaba nắm giữ các phương tiện truyền thông trong một cuộc họp từ năm ngoái. Nguồn tin này cũng cho hay giới chức nước này đặc biệt quan tâm đến ảnh hưởng của Alibaba với mạng xã hội ở Trung Quốc.

Trong khi đó, tờ Wall Street Journal cho biết chính quyền Trung Quốc đã yêu cầu Alibaba thoái vốn khỏi một số tài sản truyền thông. Ngoài mảng kinh doanh chính, Alibaba sở hữu nhiều tài sản truyền thông gồm báo in, báo điện tử, truyền hình, mạng xã hội và công ty quảng cáo.

Alibaba nắm 30% cổ phần của mạng xã hội lớn nhất Trung Quốc Weibo, sở hữu tờ báo tiếng Anh hàng đầu là South China Morning Post (SCMP) và một số từ báo in khác. Ngoài ra, Alibaba còn có trong tay hãng điện ảnh Alibaba Pictures Group Ltd. và nền tảng phát video trực tuyến lớn nhất Trung Quốc Youku Tudou Inc.

Vì sao Trung Quốc yêu cầu Alibaba thoái vốn khỏi báo, mạng xã hội? - Ảnh 2.

Jack Ma quyết định mua tờ SCMP (Bưu điện Hoa Nam buổi sáng) vào năm 2015 với mức giá được đánh giá là hời - 266 triệu USD

Nguồn tin của Bloomberg cho hay, cuộc thảo luận về yêu cầu Alibaba bán lại SCMP đã bắt đầu từ năm ngoái. Mặc dù chưa xác định được người mua cụ thể, nhưng tờ báo được cho là sẽ bán cho một thực tế Trung Quốc.

Đại diện của Alibaba ở Trung Quốc và Mỹ từ chối đưa ra bình luận sau khi Bloomberg liên hệ.

Hàng loạt động thái cứng rắn với Ant và Alibaba

Tháng 10 năm ngoái, thương vụ IPO được xem là lớn nhất trong lịch sử khi Ant Group –có kế hoạch huy động số tiền lên đến 37 tỷ USD bất ngờ bị đình chỉ. Giới chức Trung Quốc đã tiến hành một cuộc điều tra chống độc quyền đối với Alibaba vào cuối tháng 12/2020 và yêu cầu Tập đoàn Ant tái cơ cấu hoạt động.

Các chuyên gia cho rằng động thái của Trung Quốc với Ant Group như một lời cảnh báo cứng rắn rằng Bắc Kinh sẽ không nương tay với những nhân tố gây bất ổn nền kinh tế, kể cả khi đó là những đứa "con cưng" của họ.

Đầu tháng 3 năm nay, các quy định mới của các cơ quan quản lý tiếp tục giáng thêm một đòn vào Ant Group. Theo quy định mới được Ủy ban quản lý Ngân hàng và Bảo hiểm Trung Quốc (CBIRC) ban hành, các ngân hàng bị yêu cầu đánh giá và quản lý các rủi ro khi hợp tác với các nền tảng Internet giống như Ant. Quy định cũng "nghiêm cấm" việc cho vay trực tuyến ngoài khu vực mà họ đăng ký.

Vì sao Trung Quốc yêu cầu Alibaba thoái vốn khỏi báo, mạng xã hội? - Ảnh 4.

Ant phải cải tổ lại nhằm phù hợp với các quy định mới

CBIRC cho biết các quy định mới nhằm tăng cường quản lý rủi ro cho các ngân hàng. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng, chúng được ban hàng nhằm mục tiêu giảm nguồn thu tài chính của Ant trong mảng kinh doanh chính: tín dụng vi mô cho các hộ gia đình và các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Cũng trong quy định mới được ban hành, các nền tảng cho vay trực tuyến sẽ phải đóng góp tối thiểu 30% nguồn vốn cho các khoản vay khi hợp tác với ngân hàng. Các ngân hàng cũng không được để tổng các khoản vay trực tuyến vượt quá 50% tổng dư nợ của mình.

Theo Nikkei, việc áp đặt các giới hạn về khu vực đối với những dịch vụ trực tuyến nghe có vẻ phi lý. Tuy nhiên, đó là nỗ lực nhằm ngăn chặn dòng vốn lớn chảy vào Ant.

Vì sao Trung Quốc yêu cầu Alibaba thoái vốn khỏi báo, mạng xã hội? - Ảnh 5.

CEO Ant Group Simon Hu bắt ngờ nộp đơn xin từ chức trong bối cảnh tập đoàn đứng trước sức ép rất lớn

Ngày 12/3 vừa qua, ciám đốc Điều hành Ant Group Simon Hu bất ngờ nộp đơn từ chức. Theo Bloomberg, ông Simon Hu từ chức vì lý do cá nhân.

Hồi tháng 11/2018, Hu chuyển sang làm Chủ tịch Ant Group và giữ vai trò CEO tháng 12/2019. Ông Simon Hu rời khỏi Ant Group trong thời điểm gã khổng lồ fintech đang cải tổ lại bộ máy hoạt động sau khi chịu nhiều áp lực lớn đến từ các cơ quan quản lý Trung Quốc.

Sau Alibaba là Tencent?

Cơ quan chống độc quyền Trung Quốc ngày 12/3 đã "tuýt còi" đối với Tencent - tập đoàn lớn nhất châu Á hoạt động trong ngành công nghệ tài chính (Fintech). Động thái này diễn ra trong bối cảnh Bắc Kinh mở rộng chiến dịch rà soát, lập lại trật tự trong ngành Fintech, khởi đầu là vụ nhằm vào đế chế kinh doanh trên mạng Ant của tỷ phú Jack Ma.

Hãng tin Bloomberg dẫn nguồn thạo tin giấu tên cho biết hình phạt tài chính với Tencent vì lợi dụng vị thế độc quyền có thể sẽ chỉ là bước khởi đầu.

Quan trọng hơn, các nhà quản lý thị trường coi Tencent là mục tiêu tiếp theo trong nỗ lực tăng cường giám sát với các tập đoàn công nghệ tài chính.

Giống như trường hợp của Ant, nhiều khả năng Tencent sẽ phải chấp hành yêu cầu về thành lập một công ty tài chính để quản lý hoạt động ngân hàng, bảo hiểm, dịch vụ thanh toán. Đây sẽ là hai tiền lệ để ép các công ty fintech khác tuân thủ những quy định chặt chẽ hơn.

Bước đi này diễn ra chỉ ít ngày sau khi Thủ tướng Lý Khắc Cường tuyên bố chính quyền sẽ mở rộng giám sát đối với lĩnh vực công nghệ tài chính, tăng cường chống độc quyền, ngăn chặn bùng nổ vốn "mất kiểm soát".

Kinh tế Trung Quốc thế nào trong 2 tháng đầu năm 2021? Kinh tế Trung Quốc thế nào trong 2 tháng đầu năm 2021?

VTV.vn - Thống kê cho thấy, các chỉ số đều tăng trưởng mạnh nhưng các chuyên gia đánh giá sự phục hồi kinh tế Trung Quốc chưa đồng đều và chưa có nền tảng vững chắc.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước