Uber chấp nhận sáp nhập với đối thủ Didi Chuxing. (Ảnh: Bloomberg)
Mặc dù các nhà đầu tư và giới chuyên gia vẫn đang phản ứng trái chiều về thương vụ này, thế nhưng nhìn vào thực tế có thể thấy những lý do khá rõ ràng cho quyết định này của Uber.
Thứ nhất, chi nhánh Uber tại Trung Quốc đang “đốt tiền” mà vẫn chưa nhìn thấy tương lai. Uber đã khiến thị trường taxi tại nhiều quốc gia đảo lộn. Thế nhưng khi đến Trung Quốc, đối thủ của Uber là Didi Chuxing đã chiếm trọn đến 80% thị phần. Dù cho Uber nỗ lực mạnh tay chi đến 2 tỷ USD để cạnh tranh, báo cáo cho thấy Uber vẫn thua lỗ đều đặn 1 tỷ USD/năm.
Thứ hai, dù Uber cho biết chưa có kế hoạch IPO. Nhưng theo các chuyên gia, kể cả có IPO hay không, bước ra khỏi Trung Quốc cũng là quyết định đúng đắn. Bởi nó giúp Uber loại bỏ được một mảng kinh doanh “ngốn tiền” và trở nên hấp dẫn hơn trong mắt các nhà đầu tư.
Không mất thời gian lo lắng cho thị trường Trung Quốc, hiện Uber có thể tập trung giải quyết hàng loạt các vấn đề khác, ví dụ như chuyện phân loại lái xe của hãng với các nhà làm luật tại Mỹ hay đánh bại đối thủ Ola tại Ấn Độ - một trong những thị trường chủ chốt của ứng dụng này.
Uber cũng có thể tập trung nỗ lực vào các sản phẩm tiềm năng khác, như UberEats - mảng kinh doanh vận chuyển đồ ăn, hay dự án xây dựng hệ thống bản đồ độc lập giá trị 500 triệu USD từng được Financial Times đề cập.
Cuối cùng, theo các nhà phân tích, bị Didi Chuxing thâu tóm không hoàn toàn là tin xấu với Uber. Sau thương vụ này, Didi Chuxing được tiếp cận với cơ sở khách hàng rất lớn của Uber ngoài lãnh thổ Trung Quốc.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!