Xuất phát từ thời điểm gần như bằng không ở 2 thập kỷ trước, đến cuối năm ngoái, thương mại điện tử xuyên biên giới, bao gồm cả giao dịch giữa doanh nghiệp và doanh nghiệp, doanh nghiệp và người tiêu dùng ước tính đạt trên 1900 tỷ USD trên toàn cầu.
Trong đó khối lượng giao dịch lớn nhất thế giới thuộc về khu vực châu Á - Thái Bình Dương, tiếp theo mới đến khu vực Tây Âu và Bắc Mỹ. Tiềm năng về khu vực này lớn, vậy các nước trong khu vực trong đó có Việt Nam sẽ phải làm gì để tiếp tục phát triển thương mại điện tử xuyên biên giới, nhất là trong một kỷ nguyên số mà thế giới trong đó có Việt Nam đang hướng tới.
Phóng viên đã có cuộc phỏng vấn với bà Karen Reddington, Chủ tịch Khu vực châu Á - Thái Bình Dương của hãng chuyển phát nhanh lớn nhất thế giới Fedex Express về vấn đề này.
Bà Karen Reddington cho biết: "Trong hơn một thập kỷ kể từ lần đầu chúng tôi tài trợ cho APEC, thật sự tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam trên 500% là câu chuyện rất thú vị. Đó là một cơ hội lớn cho thương mại điện tử xuyên biên giới. Rồi chúng tôi còn thấy tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đang ổn định và vững chắc, đạt được mục tiêu mong muốn đề ra trong năm nay. Rồi một yếu tố cũng rất thuận lợi khác đó là cơ sở hạ tầng, là thứ tối quan trọng để phát triển thương mại điện tử, Chính phủ của các bạn cũng đang rất ưu tiên phát triển đầu tư vào đó. Tiếp đó các bạn có ví trí địa lý thuận lợi, con người tốt, tất cả đó đều là cơ hội".
Bà Karen Reddington trả lời phỏng vấn.
"Cơ sở hạ tầng chắc chắn là thứ đầu tiên mà các bạn phải nghĩ tới. Cần phải đầu tư thích đáng vào phần hữu hình của cơ sở hạ tầng như sân bay, đường bộ, đường biển. Mạng lưới kỹ thuật số cũng là yếu tố quan trọng trong thương mại điện tử kỷ nguyên mới. Cùng lúc lại phải duy trì phát triển một khung pháp lý phù hợp làm bàn đạp thúc đẩy phát triển cho cơ sở hạ tầng. Đó là đơn giản trong các thủ tục hải quan, giấy tờ thủ tục không được chồng chéo.
Khi đưa ra các quy định giao thương xuyên biên giới phải tính đến sự tương đồng, ví dụ về thuế, về hải quan với các nước có trao đổi thương mại. Ngoài ra, đầu tư vào nguồn vốn con người cũng vô cùng cần thiết. Trong đó giáo dục là điều tiên quyết. Với Fedex, tất cả các nhân viên đều có những khóa đào tạo chuyên sâu liên tục, ngay cả tôi. Vì chúng tôi luôn biết cần phải chuẩn bị những gì cho thế giới luôn thay đổi, trước mắt là kỷ nguyên số" - bà Karen Reddington, Chủ tịch Fedex Express Khu vực châu Á - Thái Bình Dương chia sẻ.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!