Hãng xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings vừa nâng triển vọng tín nhiệm quốc gia Việt Nam từ mức Ổn định lên Tích cực, khẳng định duy trì mức xếp hạng BB. Việc cải thiện triển vọng Xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam lên mức Tích cực thể hiện ghi nhận của Fitch đối với thành quả của Chính phủ Việt Nam trong nỗ lực cải thiện chất lượng và hiệu quả điều hành kinh tế.
Vậy Việt Nam sẽ cần làm gì để tiếp tục duy trì và cải thiện hơn nữa những đánh giá tích cực vừa qua của Fitch, nhất là trong bối cảnh căng thẳng Mỹ - Trung đang gia tăng sau quyết định tăng thuế ngày 10/5 của Washington?
Bà Sagarika Chandra, PGĐ Phụ trách mảng đánh giá tín nhiệm Quốc gia khu vực châu Á, TBD và cũng là tác giả của báo cáo nâng triển vọng tín nhiệm của Việt Nam vừa qua, đã đưa ra một số khuyến cáo sau:
PV: Mỹ vừa quyết định tăng thuế cao đối với hàng trăm tỷ USD giá trị hàng hóa Trung Quốc, có nghĩa là thương mại Mỹ Trung đang khá căng thẳng. Vậy theo bà, Việt Nam sẽ ảnh hưởng như thế nào và Việt Nam nên làm gì để có thể giảm những tác động tiêu cực nếu có?
Bà Sagarika Chandra: Chúng tôi cho rằng những căng thẳng hiện nay từ mối quan hệ Mỹ Trung có thể có những tác động tiêu cực với nền kinh tế Việt Nam trong ngắn hạn vì Việt Nam là nền kinh tế mở như sẽ ảnh hưởng tới khối lượng thương mại và tâm lý đầu tư.
Tuy nhiên, trong trung và dài hạn Việt Nam có thể sẽ hưởng lợi bởi tác động lan tỏa. Có những phân tích cho thấy Việt Nam sẽ dần hưởng lợi khi trở thành điểm đến của quá trình di dời sản xuất nhằm né tránh căng thẳng Mỹ - Trung. Nếu vậy, Việt Nam cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng để đón nhận những cơ hội này.
Tuy nhiên, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung cũng là vấn đề khó đoán, do vậy, để giảm thiểu những rủi ro từ bên ngoài, Fitch Ratings khuyến nghị Việt Nam tập trung xây dựng chính sách để duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, và tiếp tục tăng cường dự trự ngoại hối. Đây sẽ là tấm nệm giảm xóc tốt giúp cho Việt Nam đứng vững và tiếp tục duy trì đà tăng trưởng cũng như tăng khả năng chống chịu rủi ro.
PV: Với tất cả những đánh giá cũng vừa qua, thì Chính phủ Việt Nam chúng tôi nên làm gì tiếp theo để có thể giữ và thậm chí nâng hạng tín nhiệm trong những đánh giá sắp tới của Fitch?
Bà Sagarika Chandra: Để có thể giữ và thậm chí nâng hạng tín nhiệm trong những đánh giá sắp tới của Fitch, trước tiên, Việt Nam nên tiếp tục cải thiện tài chính công bằng việc tiếp tục giảm tỷ lệ nợ chính phủ vốn đã giảm khá hiện nay.
Thứ hai là tiếp tục tăng khả năng phòng vệ của hệ thống tài chính, giảm thiểu rủi ro, ngân hàng giảm nợ xấu.
Cuối cùng là đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô và nới rộng các mức đệm dự phòng. Bởi đó là những nhân tố tích cực có thể giúp Việt Nam tiếp tục nâng hạng tín nhiệm trong thời gian tới.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!