Với gần 7.000 hồ chứa thủy lợi cùng lượng bức xạ được đánh giá là lớn hàng đầu thế giới, Việt Nam có tiềm năng lớn về điện mặt trời trên mặt nước. Đây là thông tin được đưa ra tại hội thảo "Điện mặt trời tại hồ chứa thủy lợi" do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức sáng 23/10 tại Hà Nội.
Dự án Nhà máy điện mặt trời Dầu Tiếng, được xây dựng trên diện tích bán ngập của hồ Dầu Tiếng Tây Ninh, khi hoàn thành sẽ có công suất tương đương nhà máy thủy điện Hòa Bình. Đến nay mới chỉ có dự án này và dự án điện mặt trời trên hồ Đa Mi (Bình Thuận) đã hòa lưới điện quốc gia. Nhưng cả hai dự án này công suất hiện mới chỉ chiếm khoảng 5% tiềm năng phát điện mặt trời trên mặt nước của Việt Nam.
Bộ NN&PTNT cho biết, mỗi tuần, Bộ này nhận được một công văn đề nghị khảo sát nghiên cứu dự án điện Mặt trời trên mặt nước của các đơn vị. Một hồ chứa nước có thể đảm nhận nhiều mục tiêu như hồ chứa nước sinh hoạt, thủy lợi, thủy điện… Chính vì vậy, trong quá trình phát triển cần có những tiêu chuẩn cụ thể nhằm đảm bảo các dự án điện mặt trời không ảnh hưởng tới các mục tiêu khác của hồ.
Trung bình mỗi năm, các hồ thủy lợi cung cấp 1tỷ m3 nước sinh hoạt và công nghiệp. Phát triển điện mặt trời trên mặt hồ phải đảm bảo an ninh nguồn nước. Đây là yêu cầu quan trọng nhất để xây dựng các tiêu chuẩn cụ thể cho phát triển điện mặt trời trên mặt hồ.
Theo Bộ NN&PTNT đây là lần đầu tiên đặt ra vấn đề xây dựng các tiêu chuẩn phát triển điện mặt trời trên mặt nước và dự kiến cuối năm nay, Bộ sẽ đưa ra được các tiêu chuẩn và khuyến cáo cụ thể cho hình thức điện mặt trời này.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!