Với đề án "Phát triển bền vững 1 triệu ha lúa chất lượng cao và phát thải thấp, gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long năm 2030", Việt Nam đang được bạn bè quốc tế đánh giá là nước dẫn đầu cuộc cách mạnh nông nghiệp xanh trong giai đoạn hiện nay. Đây là nỗ lực rất có ý nghĩa của Việt Nam, góp phần thúc đẩy nông nghiệp xanh và bền vững.
Tờ BBN Breaking có bài viết "Việt Nam dẫn đầu cuộc cách mạng nông nghiệp xanh với sản xuất lúa gạo ít carbon". Tờ báo này đánh giá, Việt Nam đang là hình mẫu cho việc phát triển nông nghiệp bền vững. Sự chuyển đổi hướng tới nông nghiệp xanh này nhằm mục đích giảm thiểu tác động đến môi trường, nâng cao chất lượng xuất khẩu và mở ra các cơ hội trên thị trường tín chỉ carbon.
TS. Robert Caudwell - đại diện Viện Nghiên cứu lúa gạo quốc tế tại Việt Nam - cho rằng: "Chúng tôi đánh giá cao mục tiêu của Việt Nam không chỉ dẫn đầu về xuất khẩu lúa gạo mà còn chuyển đổi sang lúa gạo chất lượng cao, phát thải thấp. Con đường này sẽ đưa Việt Nam trở thành nhà cung cấp phân khúc gạo cao cấp và có cơ hội giá cao hơn trên thị trường toàn cầu. Từ đây, tiếng nói của Việt Nam trong các cuộc đàm phán lúa gạo cũng sẽ khác".
Tờ Mạng lưới tin tức châu Á cho rằng, chuyển sang sản xuất gạo ít carbon mang lại tiềm năng cao nhất để Việt Nam đạt được mục tiêu cắt giảm 30% lượng khí thải metan vào năm 2030, đồng thời tăng cường khả năng cạnh tranh của một mặt hàng xuất khẩu chiến lược. Tuy nhiên, sự chuyển đổi này sẽ đòi hỏi những khoản đầu tư đáng kể và những cải cách chính sách lớn.
Ngân hàng Thế giới đánh giá, việc chuyển đổi sang gạo có hàm lượng carbon thấp sẽ giúp Việt Nam đạt được mục tiêu phát thải trong khi vẫn duy trì được lợi thế cạnh tranh. Tác giả bài viết lý giải, lúa là cây trồng quan trọng nhất của Việt Nam và được trồng trên hơn một nửa diện tích đất nông nghiệp, chiếm 48% lượng phát thải khí nhà kính của ngành nông nghiệp và hơn 75% lượng phát thải khí metan.
"Từ các chương trình hiện tại, đặc biệt là đề án phát triển 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp, tôi thấy Việt Nam đang đi tiên phong và đúng hướng. Viện Nghiên cứu lúa gạo quốc tế cũng đã hợp tác chặt chẽ với Việt Nam để có thể hỗ trợ trong nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, kỹ thuật số mới" - TS. Robert Caudwell cho biết.
Trang của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên hợp quốc (FAO) đánh giá, nông nghiệp vẫn đóng vai trò chủ đạo, đóng góp khoảng 14% GDP của Việt Nam. Đó là lý do tại sao phát triển nông nghiệp bền vững là lĩnh vực ưu tiên hàng đầu trong hợp tác của Việt Nam và tổ chức này.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!