Tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2020 đã đạt gần 3%, một trong những mức tăng trưởng cao nhất trên thế giới trong năm 2020.
Mức tăng trưởng năm ngoái, cộng thêm sự khởi sắc trong môi trường đầu tư, kinh doanh, sản xuất, xuất khẩu, đặc biệt là sự tham gia vào các hiệp định thương mại tự do FTA với các đối tác lớn là tiền đề để các định chế tài chính quốc tế tiếp tục đưa ra những dự báo tích cực về tăng trưởng của Việt Nam trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19.
Trong bối cảnh Đông Nam Á chứng kiến đợt dịch mới bùng phát, các nỗ lực phục hồi của những quốc gia trong khu vực bị gián đoạn. Tuy nhiên, báo Nikkei tuần qua dẫn, trong số 6 nền kinh tế lớn của khu vực, chỉ Singapore và Việt Nam là tăng trưởng trong quý đầu năm, với mức tăng lần lượt là 0,2% và 4,5%. Những chỉ số kinh tế vĩ mô đều tốt, rủi ro từ làn sóng dịch mới đều đã được hạn chế.
Những số liệu tích cực này củng cố thêm về triển vọng tăng trưởng của Việt Nam. Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự báo là năm nay Việt Nam sẽ có tỷ lệ tăng trưởng là 6,7% và tăng lên 7% vào năm sau.
Việt Nam - Điểm sáng kinh tế trong dịch bệnh. Ảnh minh họa.
Trước đó, nhiều định chế tài chính cũng có những đánh giá lạc quan tương tự về Việt Nam. Như Báo cáo "Đổi mới sáng tạo cho các quốc gia đang phát triển Đông Á" của Ngân hàng Thế giới công nhận Việt Nam là một hình mẫu đáng tham khảo, tự chứng minh là mô hình kinh tế đáng tin cậy.
Ông Jacques Morisset - chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho biết: "Việt Nam sẵn sàng trước đại dịch. Việt Nam hiểu rõ mình cần làm gì. Chính phủ triển khai những biện pháp đúng đắn để ngăn chặn dịch bệnh. Những chính sách này rất kịp thời, không chỉ hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp mà còn thúc đẩy nền kinh tế".
Báo cáo thường niên của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đề cập tới Việt Nam như một mô hình thành công của việc song song kiểm soát dịch bệnh và đảm bảo tăng trưởng.
"Khi dịch bùng phát, Việt Nam đã đưa ra các chính sách phù hợp và kịp thời, cả về mặt tài khoá, tiền tệ và tài chính, qua đó hỗ trợ hoạt động kinh tế, các hộ kinh doanh và doanh nghiệp", ông Francois Painchaud - Trưởng đại diện của IMF tại Việt Nam nói.
Tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2020 đã đạt gần 3%, một trong những mức tăng trưởng cao nhất trên thế giới trong năm 2020. Ảnh minh họa.
Tổ chức xếp hạng tín nhiệm Moody's cũng đã nâng triển vọng tín nhiệm quốc gia của Việt Nam lên mức Tích cực (tăng hai bậc).
Văn phòng Nghiên cứu kinh tế vĩ mô ASEAN+3 (AMRO) mới đây công bố một báo cáo về Việt Nam với tiêu đề "Việt Nam chuyển dịch từ trạng thái Ngăn chặn đại dịch thành công sang Phục hồi kinh tế mạnh mẽ".
Trong đó, tổ chức này đã đưa ra nhận định tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Việt Nam dự kiến đạt 7% năm 2021 nhờ sự hồi phục của nhu cầu bên ngoài, giúp nền kinh tế trong nước có khả năng phục hồi và năng lực sản xuất tăng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!