Có được kết quả này là nhờ triển khai đồng bộ hàng loạt giải pháp nhằm đẩy nhanh tốc độ phục hồi du lịch.
Khu vực châu Á là nguồn khách quốc tế lớn nhất của Việt Nam trong năm 2023, với 9,78 triệu lượt khách. Dẫn đầu thị trường khách đến Việt Nam là Hàn Quốc với xấp xỉ 3,6 triệu lượt người, chiếm 28% tổng lượng khách quốc tế.
"Lần này tôi đến Phú Quốc là lần thứ 3, thời điểm này đang đẹp nhất trong năm để đến đây", ông Roh Junho, du khách Hàn Quốc, chia sẻ.
Năm qua, du lịch Việt Nam cũng ghi nhận sự chuyển động của các thị trường khách mới nổi như Ấn Độ hay các nước Trung Đông. Hơn 400.000 du khách Ấn Độ đã đến Việt Nam năm qua, gấp hơn 2 lần năm 2019.
"Tôi cùng nhóm bạn gần 15 người đi du lịch Ninh Bình. Chúng tôi sau đó sẽ di chuyển tới một vào điểm du lịch khác ở miền Trung, Việt Nam", ông Swapan Choudhuri, du khách Ấn Độ, cho biết.
Năm 2024, ngành du lịch Việt Nam đặt mục tiêu phấn đấu đón 17 - 18 triệu lượt khách quốc tế. (Ảnh: NLĐ)
Một số trung tâm du lịch có tăng trưởng đáng kể về lượng khách quốc tế như: TP Hồ Chí Minh đón 5 triệu lượt, Hà Nội đón 4 triệu lượt. Đòn bẩy từ chính sách thị thực mới, gia hạn thời gian lưu trú cho du khách quốc tế lên 45 ngày tạo cú hích cho ngành cán đích sớm, góp phần đáng kể trong việc tăng tổng khối lượng doanh thu du lịch ở các địa phương.
Tính chung trên cả nước, tổng thu từ du lịch đạt 678,3 nghìn tỷ đồng, vượt 4,35% so với kế hoạch năm 2023.
Theo các chuyên gia, để đánh giá chính xác sự phục hồi của du lịch, cũng như giúp ngành này có những đột phá trong bối cảnh kinh tế thế giới nhiều biến động, cần đẩy mạnh công cụ thống kê trong du lịch và sự phối hợp liên ngành, đồng điệu trong chuỗi cung ứng dịch vụ.
Năm 2024, ngành du lịch Việt Nam đặt mục tiêu phấn đấu đón 17 - 18 triệu lượt khách quốc tế, gần về mức kỷ lục của năm 2019
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!