Việt Nam - Mỹ tiến tới cân bằng thương mại thực chất

Trung tâm Tin Tức VTV24-Thứ năm, ngày 28/02/2019 16:17 GMT+7

VTV.vn - Năm 2018, thâm hụt thương mại của Mỹ với Việt Nam ở mức 40 tỷ USD, trong khi đó mức thâm hụt của Mỹ với Nhật Bản là 62 tỷ USD, Ấn Độ là 20 tỷ USD, Hàn Quốc là 17 tỷ USD.

Trong cuộc phỏng vấn mới đây với phóng viên VTV, ông Adam Sitkoff - Giám đốc Điều hành Hiệp hội thương mại Hoa Kỳ tại Hà Nội - cho biết thành công trong một mối quan hệ kinh tế không chỉ nên nhìn vào các số liệu thống kê.

Cuộc gặp mặt giữa 2 lãnh đạo Mỹ - Triều diễn ra tại Hà Nội đã tạo cơ hội cho Việt Nam và Mỹ chứng kiến ký kết những hợp đồng tỷ USD, ông có thể đánh giá ý nghĩa với quan hệ Việt - Mỹ thế nào?

Ông Adam Sitkoff: Những chuyến đi cũng là cơ hội để lãnh đạo 2 nước đánh giá quan hệ kinh tế cũng như ký kết các đàm phán kinh doanh. Các doanh nghiệp hàng không Việt đang muốn mua nhiều hơn máy bay từ Mỹ. Đây là một đóng góp rất lớn khi các mặt hàng giá trị cao sẽ chiếm nhiều tỷ trọng trong kim ngạch xuất khẩu Mỹ. Quan hệ 2 bên ngày càng thắt chặt. Việt Nam đang trong quá trình chuyển đổi và cần hạ tầng, năng lượng. Mỹ thấy mình như một đối tác quan trọng để đồng hành cùng Việt Nam phát triển. Tuy nhiên, thương mại cũng sẽ là vấn đề tôi kỳ vọng Tổng thống Trump sẽ trao đổi nhiều khi Việt Nam đang đứng thứ 5 trong danh sách các nước Mỹ có thâm hụt thương mại lớn nhất.

Ông có nghĩ rằng cán cân thương mại đang dần được cân bằng khi 2 nước đang xúc tiến những giao dịch thương mại lớn?

Ông Adam Sitkoff: Chúng tôi đang mua sáu thứ từ Việt Nam, trong khi Việt Nam mới mua có 3 thứ. Tuy nhiên, tôi nghĩ không nên đánh giá thành công thương mại từ những con số như vậy. Hơn 10 năm làm việc ở Việt Nam, hàng tuần tôi đều ra chợ mua xoài, mà bà bán xoài chả bao giờ mua gì từ tôi. Không lẽ tôi cũng nên thấy không công bằng vì thặng dự thương mại này lớn quá. Các nước đều đang làm những việc mình có lợi thế và tạo ra các sản phẩm khác nhau. 99% giày tại Mỹ hiện đến từ thế giới, Việt Nam sản xuất giày xong xuất sang Mỹ không gây thiệt hại gì.

Ngược lại, Việt Nam cũng mua những sản phẩm mình không có lợi thế từ Mỹ. Điều cần ghi nhận là những nỗ lực cải thiện trong cán cân thương mại của Việt Nam với những thỏa thuận mua máy bay, du học sinh Việt sang Mỹ ngày một nhiều. Hay sắp tới Việt Nam cũng có thể xem xét mua khí thiên nhiên hóa lỏng từ Mỹ, không cần phải mua từ Qatar khi giá như nhau. Có thêm những thỏa thuận kinh doanh như vậy, Tổng thống Trump chắc chắc sẽ rất vui.

Từ khi ký hiệp định thương mại song phương, Mỹ đã định hướng trở thành nhà đầu tư số 1 vào Việt Nam. Nhưng hiện Mỹ mới thuộc top 10, khả năng cải thiện điều này theo ông thế nào?

Ông Adam Sitkoff: Đúng như anh nói nếu chúng ta đến Bộ Kế hoạch - Đầu tư và xin số liệu thì Mỹ chỉ xếp thứ 9 hay 10. Nhưng nó không đúng vì rất nhiều khoản đầu tư của Mỹ vào Việt Nam bị tính vào các công ty con thuộc nước khác như Procter & Gamble bị tính là đầu tư từ Singapore, Intel bị tính là từ Hong Kong, Trung Quốc. Có hàng nghìn ví dụ như thế nữa và nếu nhìn vào giá trị đầu tư thực, Mỹ phải đứng khoảng thứ 3 và thứ 4. Có rất nhiều công ty Mỹ đang giơ tay muốn được mở rộng kinh doanh và đầu tư vào Việt Nam. Nhưng để thực sự an tâm, họ cần những hành động cụ thể hơn từ Chính phủ, rằng luật pháp rất công bằng và chào đón. Đúng là Mỹ chưa phải nhà đầu tư số 1 tại Việt Nam nhưng Mỹ muốn trở thành như vậy. 25 năm bình thường hóa quan hệ, đã chứng kiến một Việt Nam phát triển nhanh vượt bậc. Việt Nam là minh chứng rõ ràng rằng: Hợp tác phát triển luôn tốt hơn đấu tranh.

Xin cảm ơn những chia sẻ của ông!

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước