Theo bài viết, Việt Nam đã nổi lên như một trung tâm thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Trong cuộc đua trở thành "con hổ châu Á", FDI của Việt Nam đạt trung bình hơn 6% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Chiến lược gia Ruchir Sharma của ngân hàng đầu tư đa quốc gia Mỹ và công ty dịch vụ tài chính Morgan Stanley nhận định đây là tỷ lệ cao nhất trong số các quốc gia mới nổi. Số liệu kinh tế gần đây của Việt Nam cho thấy xuất khẩu tăng 18%, xuất khẩu máy tính/linh kiện tăng 26% và xuất khẩu máy móc/phụ kiện tăng 63%.
Lý giải cho sự thành công trong việc thu hút đầu tư nước ngoài, bài viết cho rằng chính các chính sách đầu tư thân thiện, các khu công nghiệp, nguồn cung lao động trẻ dồi dào (60% dân số) đã giúp Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư.
Việt Nam đã chứng kiến đầu tư nước ngoài đạt mức cao kỷ lục 16,12 tỷ USD – tăng 81%. Ngay cả trong thời kỳ khủng hoảng dịch COVID-19, thể trạng của nền kinh tế Việt Nam vẫn ổn định vì chính phủ đã áp dụng các biện pháp miễn thuế, giãn thuế và phí sử dụng đất cho các doanh nghiệp, sửa đổi luật đầu tư và ký kết Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA). Bắt đầu từ tháng 7 vừa qua, Liên minh châu Âu (EU) đã dỡ bỏ 85% thuế quan đối với hàng hóa Việt Nam, cắt giảm dần phần còn lại trong vòng 7 năm tới, trong khi vốn FDI trị giá trên 12 tỷ USD được đăng ký từ tháng 1 đến tháng 4/2020.
Bài viết cũng nhận định thành công kinh tế của các quốc gia như Trung Quốc và Singapore một phần là nhờ vào nguồn vốn FDI. Trung Quốc đã chứng kiến sự gia tăng vốn FDI từ 11,15 tỷ USD năm 1992 lên mức cao nhất là 290 tỷ USD vào năm 2013.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!