Kinh tế Việt Nam đã cho thấy những tín hiệu tích cực trong quý III, đem lại triển vọng sáng hơn cho quý cuối năm. Đây là nhận định của nhiều trang báo quốc tế tuần qua. Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu vẫn còn nhiều thách thức, các chuyên gia khuyến nghị Việt Nam cần tiếp tục thực hiện các chính sách kinh tế vĩ mô tổng thể nhằm duy trì đà tăng trưởng, đạt các mục tiêu kinh tế đã đề ra.
Trang Tân hoa xã trích dẫn thông tin cho biết, kinh tế Việt Nam đã có những dấu hiệu phục hồi mạnh, đưa nền kinh tế bước vào giai đoạn tăng trưởng mới ở cuối năm, trong đó nhận định sức mua mạnh là động lực cho tăng trưởng kinh tế.
Ông Hoe Ee Khor - Nhà kinh tế trưởng Văn phòng kinh tế vĩ mô ASEAN+3 (AMRO) cho biết: "Chúng tôi kỳ vọng xuất khẩu sẽ phục hồi và chúng tôi thực sự thấy một số dấu hiệu về điều đó nên năm tới chúng tôi dự báo tăng trưởng của Việt Nam ở mức 6%".
Tuy nhiên, trước những cảnh báo về suy yếu triển vọng tăng trưởng toàn cầu, để duy trì đà tăng trưởng, chuyên gia Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) khuyến nghị Việt Nam cần có các biện pháp giải quyết tình trạng nợ, tháo gỡ các khó khăn trong lĩnh vực bất động sản và thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thúc đẩy các kế hoạch chuyển đổi năng lượng.
Kinh tế Việt Nam đã cho thấy những tín hiệu tích cực trong quý III, đem lại triển vọng sáng hơn cho quý cuối năm. Ảnh minh họa.
Cùng chung nhận định, Văn phòng kinh tế vĩ mô ASEAN+3 (AMRO) khuyến nghị, các cơ quan chức năng cần điều chỉnh các biện pháp kích thích hiện có để hỗ trợ nền kinh tế, đặc biệt là các doanh nghiệp siêu nhỏ, vừa và nhỏ và các hộ gia đình dễ bị tổn thương, chú trọng các biện pháp thúc đẩy tăng trưởng xanh và bền vững.
"Chính phủ Việt Nam đã thực hiện một số biện pháp như cắt giảm lãi suất, tăng trần tín dụng để hỗ trợ các lĩnh vực bị ảnh hưởng bởi uy thoái, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Điều này khá quan trọng. Việt Nam cũng đã thực hiện các biện pháp về mặt tài chính. Chúng tôi nghĩ Việt Nam cần tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp đạt được các mục tiêu cơ bản. Và khi nhu cầu tăng lên, các doanh nghiệp sẽ phục hồi, từ đó thúc đẩy nền kinh tế phục hồi", ông Hoe Ee Khor - Nhà kinh tế trưởng Văn phòng kinh tế vĩ mô ASEAN+3 (AMRO) nhận định.
Trang BNN Network cho biết, trước những biến động kinh tế toàn cầu và lạm phát trong nước, Việt Nam vẫn nổi lên như "ngọn hải đăng" về phục hồi, trong đó động lực là sự kết hợp giữa các chính sách thận trọng của chính phủ, kế hoạch kinh tế chiến lược và cam kết kiên định đối với sự ổn định và phát triển.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!