Việt Nam sẽ nhận hơn 51 triệu USD nhờ giảm phát thải

P.V-Thứ tư, ngày 21/10/2020 16:36 GMT+7

VTV.vn - Nếu Việt Nam thực hiện đầy đủ cam kết từ nay đến năm 2025, 6 tỉnh khu vực Bắc Trung bộ cam kết giảm 10,3 triệu tấn CO2 thì Quỹ FCPF sẽ chi trả cho Việt Nam 51,5 triệu USD.

Nỗ lực thực thi Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu, Việt Nam đã đàm phán với Quỹ Đối tác carbon trong lâm nghiệp (FCPF) và Quỹ đã ủy thác cho Ngân hàng Thế giới (WB) điều phối và đàm phán trực tiếp với Việt Nam để chuẩn bị ký Thỏa thuận chi trả giảm phát thải vùng Bắc Trung Bộ (ERPA).

Với Thỏa thuận chi trả giảm phát thải vùng Bắc Trung Bộ (ERPA), nếu Việt Nam thực hiện đầy đủ cam kết này thì từ nay cho đến năm 2025, 6 tỉnh khu vực Bắc Trung bộ cam kết giảm 10,3 triệu tấn CO2 và Quỹ FCPF sẽ chi trả cho Việt Nam 51,5 triệu USD. Đây sẽ là nguồn lực rất ý nghĩa cho khu vực miền Trung Việt Nam, góp phần thực hiện cơ chế thí điểm thực thi thị trường tín chỉ carbon trên thế giới.

Việt Nam sẽ nhận hơn 51 triệu USD nhờ giảm phát thải - Ảnh 1.

Việt Nam là quốc gia đi đầu trong việc thực hiện các chương trình giảm phát thải khí nhà kính từ rừng trên quy mô lớn. Ảnh minh họa: TTXVN

Sau khi ký ERPA, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ phải ban hành kế hoạch chi tiết để thực hiện thỏa thuận này. Trong số đó có những việc Việt Nam đã làm được rất cơ bản nhưng cũng còn những việc phải khẩn trương làm như: trình Chính phủ phê duyệt quy định về cơ chế tiếp nhận, đo lường, chi trả tiền thu được từ dịch vụ carbon này; triển khai ngay các biện pháp trên thực tiễn để đo lường việc hấp thụ carbon.

Việt Nam là nước thành viên của Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu. Tại hội nghị lần thứ 21, Việt Nam cùng nhiều quốc gia đã đề xuất và cam kết triển khai sáng kiến chương trình giảm phát thải để chi trả dựa vào kết quả. Cũng tại đây, Việt Nam cam kết giảm 8% lượng phát thải khí nhà kính vào năm 2030. Nếu có sự hợp tác có hiệu quả của các quốc gia, sự hỗ trợ của quốc tế, Việt Nam có thể giảm tới 25% lượng phát thải.

Trong sáng kiến này, Việt Nam đã hợp tác chặt chẽ với Quỹ FCPF cũng như nhiều tổ chức khác nhằm giảm phát thải khí nhà kính. Việt Nam cũng có 10 năm chuẩn bị sẵn sàng thực hiện cơ chế tín chỉ cacbor.

Việt Nam là quốc gia đầu tiên ở châu Á - Thái Bình Dương và là quốc gia thứ 5 trên toàn cầu ký Thỏa thuận Chi trả giảm phát thải (ERPA).

Các thỏa thuận chi trả giảm phát thải là công cụ mới nhằm khuyến khích quản lý đất đai bền vững ở quy mô lớn và giúp kết nối các quốc gia với các nguồn tài trợ khác về khí hậu.

Đến nay, nguồn kinh phí cam kết đóng góp cho FCPF để chuẩn bị sẵn sàng và thực hiện chi trả cho dịch vụ giảm phát thải từ rừng đã lên tới 1,3 tỉ USD.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước