Việt Nam sở hữu tiềm năng lớn về thị trường tín chỉ carbon

Ban Thời sự-Thứ ba, ngày 23/04/2024 15:31 GMT+7

VTV.vn - Theo tính toán, chỉ riêng ngành nông nghiệp Việt Nam, tiềm năng có thể đạt 57 triệu tín chỉ carbon mỗi năm.

Trong thời gian vừa qua, Việt Nam đã nhận được toàn bộ khoản thanh toán trị giá hơn 51 triệu USD, tương đương 1.200 tỷ đồng từ việc bán tín chỉ carbon rừng, theo Thỏa thuận thực hiện giảm phát thải khí nhà kính vùng Bắc Trung Bộ mà Việt Nam ký với Ngân hàng Thế giới (WB). Cũng theo WB, Việt Nam là quốc gia đầu tiên ở khu vực Đông Á - Thái Bình Dương nhận được khoản thanh toán dựa trên kết quả giảm phát thải này.

Theo Giám đốc quốc gia của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, khoản chi trả mang tính bước ngoặt này đánh dấu một bước tiếp theo để Việt Nam tham gia thị trường tín chỉ carbon toàn cầu. Sau Bắc Trung Bộ, Việt Nam đang chuyển nhượng tiếp hơn 5,1 triệu tín chỉ carbon rừng tại vùng Nam Trung Bộ và Tây Nguyên trong giai đoạn 2022 - 2026, với giá tối thiểu 10 USD/tín chỉ.

Theo tính toán, chỉ riêng ngành nông nghiệp Việt Nam, tiềm năng có thể đạt 57 triệu tín chỉ carbon mỗi năm. Nếu thực hiện được các giao dịch tương xứng, nước ta có thể bán tín chỉ carbon với giá trị khoảng 300 triệu USD/năm.

Chính sách chi trả hỗ trợ giảm phát thải

6 tỉnh triển khai Thỏa thuận giảm phát thải khí nhà kính vùng Bắc Trung Bộ đã nhận được tiền chi trả gồm: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế. Khoản tiền hơn 1.200 tỷ đồng đang được các địa phương chi trả thận trọng, theo đúng quy định, với ưu tiên lớn nhất là dành cho các cộng đồng và người dân trực tiếp tham gia bảo vệ rừng.

Tổ cộng đồng dân cư bảo vệ rừng của Khu phố Cốc tại thị trấn Hồi Xuân, huyện Quan Hóa, tỉnh Thanh Hóa mới đây đã tổ chức cuộc họp nhằm thống nhất phương án chi 96 triệu đồng. Đây là khoản tiền họ được nhận từ Thỏa thuận thực hiện giảm phát thải khí nhà kính vùng Bắc Trung Bộ.

Cộng đồng đã thống nhất chi 20 triệu đồng cho công tác phòng chống cháy rừng. 20 triệu đồng cho tổ tuần tra bảo vệ rừng. Số tiền còn lại đầu tư các dự án xây dựng nông thôn mới như làm đường giao thông. Đây là lần đầu tiên 160 hộ dân khu phố Cốc nhận được một khoản tiền lớn thế này từ công việc họ vẫn làm hằng ngày là bảo vệ rừng, nhất là 2/3 số hộ trong khu phố Cốc thuộc diện nghèo và cận nghèo. Thu nhập chủ yếu của họ là từ chăn nuôi nhỏ lẻ và nhận khoán bảo vệ rừng.

Việt Nam sở hữu tiềm năng lớn về thị trường tín chỉ carbon - Ảnh 1.

Theo tính toán, chỉ riêng ngành nông nghiệp Việt Nam, tiềm năng có thể đạt 57 triệu tín chỉ carbon mỗi năm. Ảnh minh họa.

Theo quy định tại Nghị định 107 về thí điểm chuyển nhượng kết quả giảm phát thải và quản lý tài chính thỏa thuận chi trả giảm phát thải khí nhà kính vùng Bắc Trung Bộ, trong số tiền hơn 1.200 tỷ đồng mà Việt Nam nhận được sau khi hoàn thành việc thực hiện các nghĩa vụ 3,5% được trích lại cho Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng.

96,5% còn lại được chi cho các hoạt động của các cơ quan nhà nước, chủ rừng, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư có hoạt động liên quan đến giảm phát thải và hấp thụ khí nhà kính từ rừng tự nhiên thuộc 6 tỉnh.

Chậm triển khai thí điểm bán tín chỉ carbon rừng

Hiện nay nước ta có khoảng 25 triệu người dân sống phụ thuộc vào rừng. Lâm nghiệp giờ không chỉ là ngành nuôi sống hàng triệu người, mà còn là nguồn tài chính tiềm năng thông qua thương mại carbon rừng. Thỏa thuận giảm phát thải khí nhà kính vùng Bắc Trung Bộ đã đem lại nguồn tài chính xanh, cho hơn 70.000 chủ rừng, hộ gia đình, cá nhân hay cộng đồng tham gia bảo vệ rừng.

Nhiều địa phương hiện nay có độ che phủ rừng cao, từ khoảng 57 - 60% và mỗi năm có thể tạo gần 1 triệu tín chỉ carbon. Các địa phương đều kỳ vọng có thể sớm thực hiện được cơ chế này, tuy nhiên vẫn đang gặp khó khăn về thủ tục và phải chờ cơ chế để thực hiện.

Việt Nam sở hữu tiềm năng lớn về thị trường tín chỉ carbon - Ảnh 2.

Thị trường tín chỉ carbon năm 2024 được dự báo tiếp tục phát triển mạnh mẽ, với tiềm năng tăng trưởng cao. Ảnh minh họa.

Để tham gia thị trường carbon thế giới, từ năm 2018, tỉnh Quảng Nam phối hợp với các tổ chức quốc tế để xây dựng đề án phát triển rừng bền vững. Tháng 5/2021, Thủ tướng đồng ý chủ trương để Quảng Nam lập đề án thí điểm kinh doanh tín chỉ carbon rừng. Với hơn nửa triệu ha rừng nguyên sinh, tạo ra hơn một triệu tín chỉ carbon, mỗi năm Quảng Nam có thể thu hơn 130 tỷ đồng.

Các địa phương có rừng vẫn chờ đợi triển khai đề án bán tín chỉ carbon rừng từ nhiều năm nay. Tại Quảng Nam, nguyên nhân là do hồ sơ của tỉnh được xây dựng từ năm 2018 không đáp ứng được yêu tiêu chuẩn mới để trình cơ quan, Tổ chức Verra xác minh, phát hành tín chỉ. Vì vậy, nếu muốn được công nhận thì tỉnh Quảng Nam phải tổ chức đấu thầu, tìm đơn vị tư vấn mới để xây dựng hồ sơ mới.

Theo lãnh đạo tỉnh Quảng Nam, lĩnh vực kinh doanh tín chỉ carbon rừng không thuộc đối tượng áp dụng theo quy định của Luật Đấu thầu và các quy định của pháp luật về lâm nghiệp hiện hành. Do đó, đến thời điểm này, hồ sơ giảm phát thải khí nhà kính từ mất rừng và suy thoái rừng dành cho các nước đang phát triển (REDD +) của tỉnh Quảng Nam vẫn chưa hoàn thiện để được chấp nhận thù lao về mặt tài chính từ quỹ toàn cầu.

Từ một tỉnh sớm xây dựng hồ sơ thí điểm bán tín chỉ carbon, đến nay Quảng Nam lại đang bị chậm trễ trong lĩnh vực này. Điều này cũng đồng nghĩa, mỗi năm tỉnh Quảng Nam đang có nguy cơ thất thu hàng trăm tỉ đồng để chi cho giảm nghèo, phát triển lâm nghiệp, bảo tồn đa dạng sinh học.

Thị trường tín chỉ carbon năm 2024 được dự báo tiếp tục phát triển mạnh mẽ, với tiềm năng tăng trưởng cao. Việc nhận được khoản lớn từ chuyển nhượng hơn 10 triệu tín chỉ carbon rừng và tiếp tục bán thêm được hàng triệu tín chỉ carbon khác với giá cao hơn đã cho thấy sự quan tâm lớn của các tổ chức nước ngoài đối với các dự án carbon tại Việt Nam. Đây cũng là những bước đệm vững chắc để Việt Nam tham gia sâu vào thị trường tín chỉ carbon toàn cầu. Nhưng với điều kiện những vướng mắc nhất là về cơ chế, thủ tục để sớm được tháo gỡ.

Thị trường tín chỉ carbon - Đòn bẩy phát triển kinh tế xanh Thị trường tín chỉ carbon - Đòn bẩy phát triển kinh tế xanh

VTV.vn - Nhiều thị trường lớn trên thế giới đang thúc đẩy các chính sách phát triển bền vững, giảm phát thải carbon thông qua việc áp thuế đối với hàng hoá.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước