Việt Nam trước cơ hội trở thành trung tâm sản xuất chip bán dẫn

Ban Thời sự-Thứ tư, ngày 11/10/2023 21:05 GMT+7

VTV.vn - Việt Nam đang nổi lên như một điểm đến của nhiều hãng sản xuất bán dẫn.

Sáng 11/10, tại Bắc Ninh, lễ khánh thành nhà máy sản xuất sản phẩm bán dẫn của Tập đoàn Amkor Technology đã được tổ chức. Đây là một trong những tập đoàn dẫn đầu của Hoa Kỳ trong ngành công nghiệp đóng gói, thử nghiệm chất bán dẫn trong 55 năm qua. Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đã tới tham dự sự kiện.

Với tổng vốn đầu tư 1,6 tỷ USD, toàn bộ hệ thống nhà xưởng trên diện tích 23 ha sẽ là trung tâm sản xuất chip bán dẫn lớn nhất thế giới trong mạng lưới phát triển của Tập đoàn Amkor Technology, ứng dụng trong lĩnh vực viễn thông, ô tô, máy tính, trí tuệ nhân tạo, trung tâm dữ liệu…

Ông Giel Rutten - Tổng Giám đốc điều hành toàn cầu Tập đoàn Amkor Technology cho biết: "Với chiến lược xây dựng một nhà máy với quy mô lớn nhất thế giới của tập đoàn, chúng tôi đã khảo sát nhiều địa điểm để lựa chọn đặt nhà máy và đã lựa chọn Việt Nam vì hệ sinh thái nhiều nhà cung ứng bán dẫn, thiết bị điện tử, vi mạch. Việt Nam được biết đến là quốc gia trong nhóm đầu xuất khẩu công nghệ cao".

Việt Nam trước cơ hội trở thành trung tâm sản xuất chip bán dẫn - Ảnh 1.

Việt Nam đang nổi lên như một điểm đến của nhiều hãng sản xuất bán dẫn. Ảnh minh họa.

Nhiều tập đoàn hàng đầu về công nghệ bán dẫn như Intel, Samsung, SK… với những dự án từ hàng trăm triệu đến cả tỷ USD không chỉ xây dựng nhà máy sản xuất, lắp ráp, mà còn tham gia nghiên cứu phát triển công nghệ tại Việt Nam. Như SK Group của Hàn Quốc đã tài trợ 30 triệu USD để xây dựng Trung tâm đổi mới sáng tạo Việt Nam sắp đi vào hoạt động cuối tháng này.

Ông Yu Jae Wook - Đại diện Tập đoàn SK tại Hà Nội đánh giá: "Việt Nam đang nổi lên như một nhân tố năng động về đổi mới sáng tạo toàn cầu, nhờ môi trường thuận lợi, được hỗ trợ mạnh mẽ từ chính phủ. Trung tâm đổi mới sáng tạo Việt Nam sẽ phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, phù hợp với thực tiễn phát triển và tiếp cận các chuẩn mực quốc tế trong nghiên cứu công nghệ mới".

Trước những cơ hội đó, nguồn nhân lực cao sẽ là chìa khoá. Theo các Hiệp hội vi mạch quốc tế, nếu làm tốt phát triển hệ sinh thái doanh nghiệp và đội ngũ kỹ sư thiết kế chip, kỹ sư điện tử, Việt Nam sẽ tham gia sâu hơn trong các công đoạn trong chuỗi giá trị vi mạch bán dẫn, tiến tới tự sản xuất chip từ năm 2030.

Tham gia thị trường bán dẫn toàn cầu, Việt Nam sẽ có được các cơ hội tỷ USD. Dự báo đến năm 2024, công nghiệp bán dẫn Việt Nam sẽ vượt giá trị 6,16 tỷ USD. Chính vì vậy, chủ động nắm bắt và chuẩn bị các điều kiện để thu hút các nhà đầu tư bán dẫn sẽ giúp Việt Nam phát triển mạnh lĩnh vực này.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước