Động thái này là bước đi mới nhất cho thấy những nỗ lực đa dạng hóa ngành hàng, bắt kịp xu thế chuyển đổi số của Vietnam Airlines. Tuy nhiên cuộc chơi có dễ dàng hay không khi thị trường thương mại điện tử đã có nhiều "ông lớn chuyên nghiệp" khác?
Bánh ngọt, trà, hoa quả, rượu vang, thậm chí là cơm văn phòng, ít ai có thể nghĩ rằng, những mặt hàng này lại đang được bán trên website thương mại điện tử của hàng hàng không quốc gia Việt Nam. VNA cho biết, VNAMALL sẽ mang đến những sản phẩm độc đáo, mang đậm dấu ấn hàng không.
"Vietnam Airlines đi trước các hãng hàng không khác là một lợi thế. Tận dụng thế mạnh vận chuyển, bán các mặt hàng đặc sản, độc lạ là hút khách ngay", một tài khoản mạng xã hội bình luận.
"Mình vừa vào website, chưa có nhiều mặt hàng lắm, nhưng rất thú vị, từ rượu vang đến các món ăn nhẹ trên khoang thương gia", một tài khoản khác cho hay.
Hiện không thể so sánh VNAMALL với các "ông lớn" thương mại điện tử như: Tiki, Lazada, Shopee. Tuy nhiên, danh mục hàng hóa của website này rất có thể sẽ đa dạng hơn, trong đó có cả những dòng sản phẩm đồng thương hiệu Vietnam Airlines như: ly thủy tinh, bình đun nước... Động thái mở trang bán hàng trực tuyến này được cho là nỗ lực cứu vớt hoạt động kinh doanh của hãng hàng không quốc gia, sau 2 năm thua lỗ nặng vì ảnh hưởng của dịch COVID-19.
"Đến cả hãng hàng không quốc gia cũng phải chuyển mình sang lĩnh vực thương mại điện tử. Thay đổi và tìm con đường sáng hơn cho mình để đi thôi", một tài khoản mạng xã hội nhận định.
Chưa rõ mục tiêu và tham vọng của Vietnam Airlines với thương mại điện tử lớn đến đâu, nhưng với việc "nhảy" sang một lĩnh vực hoàn toàn mới và đã có những "tay chơi lớn" thống trị, chắc chắn Vietnam Airlines sẽ phải đối mặt với không ít thách thức mới.
"Hiện trạng ngành hàng không còn quá khó khăn, đầu tư vào hạ tầng thương mại điện tử cũng như sản xuất sản phẩm sẽ tăng thêm vốn, trong khi doanh thu chưa có dấu hiệu khả quan", một tài khoản khác nêu ý kiến.
"Thương mại điện tử vốn là cuộc đua "đốt tiền" để đổi lấy lượng người dùng và tăng trưởng. Không biết Vietnam Airlines sẽ làm như thế nào để giành thị phần khi cuộc chơi đã nằm trong tay các ông lớn?", một tài khoản khác băn khoăn.
Thống kê của iPrice cho thấy, 3 "ông lớn" trên thị trường thương mại điện tử hiện nay là: Shopee, Lazada và Tiki đang nắm trong tay đến 86% thị phần. VNAMALL mới chỉ chập chững bước chân vào thị trường vốn cạnh tranh quá khốc liệt như thương mại điện tử. Những lợi thế ban đầu của của họ mới chỉ là những sản phẩm đậm dấu ấn hàng không hay khả năng kết nối của nhiều đường bay trong và ngoài nước của Vietnam Airlines. Vậy miếng bánh thị phần liệu còn phần cho những "tân binh" như VNAMALL?
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!