Đà tăng bất ngờ lại không hẳn bất ngờ
VN-Index đã liên tiếp lập đỉnh chỉ trong vài ngày, nhìn lại tuần qua trên thị trường chứng khoán 5 ngày giao dịch thì có đến 4 phiên tăng điểm. Thậm chí, trong cuối cùng để các ETF cơ cấu lại danh mục, tức lượng mua/lượng bán cổ phiếu lớn mà các cổ phiếu được giao dịch cũng không bị rung lắc mạnh và vẫn tăng được hơn 6 điểm.
Tính cả tuần qua, VN-Index đã tăng thêm là gần 55 điểm. Lần tăng điểm này không chỉ bất ngờ với những nhà đầu tư F0, mà thậm chí các chuyên gia cũng bất ngờ. Nhưng nếu nhìn ngược lại cả một quá trình tích luỹ của VN-Index sự bất ngờ lại không hẳn bất ngờ.
VN-Index đã bỏ ra gần 4 tháng dao động trong mô hình tam giác cân và ngay cả khi bứt lên khỏi mô hình này vào đầu tháng 10 lại tiếp tục đi ngang trong hơn 10 phiên nữa. Các chuyên gia phân tích kỹ thuật đều cho rằng đây là khoảng thời gian vận động tích luỹ chặt chẽ, là điều kiện cần để thị trường chờ đợi đủ những thông tin tích cực làm động lực bứt phá.
Thứ nhất là kết quả kinh doanh quý III, tới hết ngày 29/10, theo VNDIRECT đã có 501 doanh nghiệp niêm yết công bố, với tổng lợi nhuận sau thuế tăng tới 26,9% so với cùng kỳ. Theo nhận định, kết quả không tiêu cực như dự báo trước đó.
Quý III là quý tiêu cực nhất năm hoá ra lại không đến nỗi, còn quý IV với triển vọng mở cửa kinh tế thận trọng từ đầu tháng này, tình hình dịch bệnh được kiểm soát, với số ca nhiễm đang giảm, lại được kỳ vọng là quý bứt phá.
Trong khi P/E của VN-Index năm nay, theo SSI hiện ở khoảng 15 lần; còn năm 2022 là 13 -14 lần, là mức hấp dẫn cho nhà đầu tư trung hạn. Vì vậy, có thể hiểu các phiên tăng điểm đột phá vừa qua, đặc biệt là phiên vào thứ 4 trong tuần, cũng chính là một sự cởi trói về mặt tâm lý đã dồn nén trong suốt vài tháng qua. Đây là một chiếc lò xo đã nén lại kể từ khi đợt COVID-19 lần thứ 4 bùng phát.
VN-Index đã liên tiếp lập đỉnh chỉ trong vài ngày qua. (Ảnh minh họa - Ảnh: Báo Đầu tư)
Dòng tiền chảy vào thị trường chứng khoán
Tâm lý nhà đầu tư được cởi bỏ, cũng là lúc dòng tiền chảy vào với thị trường. Theo thống kê của Trung tâm lưu ký chứng khoán, 9 tháng đầu năm 2021, nhà đầu tư trong nước mở mới gần 1 triệu tài khoản chứng khoán, lớn hơn tổng lượng tài khoản mở mới trong 3 năm trước đó cộng lại.
Việc gia nhập của lớp nhà đầu tư mới cũng đẩy dư nợ margin tại các công ty chứng khoán liên tục gia tăng.
Trong lịch sử thị trường chứng khoán Việt Nam, không ít lần thị trường xuất hiện nhịp điều chỉnh mạnh mỗi khi margin tại các công ty chứng khoán "căng" và hết room cho các cổ phiếu lớn bluechips. Tuy nhiên, vào thời điểm hiện nay, dòng tiền từ nhà đầu tư mới liên tục nhập cuộc giúp thị trường trở nên khá vững vàng.
Số liệu từ các công ty chứng khoán cho biết, vào cuối quý III/2021, số dư tiền gửi của khách hàng tại các công ty chứng khoán khoảng 92.000 tỷ đồng, tăng khoảng 6.000 tỷ đồng so với quý trước và đây là con số kỷ lục trong lịch sử. Tức lượng tiền thịt, không phải tiền vay được chảy vào công ty chứng khoán nhiều hơn.
"Thị trường có hơn 350 mã tăng và chắc chắn đa phần nhà đầu tư cảm thấy hân hoan tích cực. Sự tích cực này phản ánh kỳ vọng nhà đầu tư về nền kinh tế tích cực, với số ca COVID-19 ngày càng giảm, lượng vaccine được tiêm ra nhiều hơn", anh Nguyễn Gia Khánh - chuyên gia tư vấn đầu tư nói.
Tuần qua, khối ngoại cũng chuyển sang trạng thái mua ròng với giá trị khoảng 1.500 tỷ đồng.
Ông Đinh Quang Hinh - chuyên viên phân tích Cao cấp - Khối Phân Tích, VNDIRECT cho hay: "Thời điểm nửa cuối quý IV là thời điểm các quỹ đầu tư thị trường sẽ lựa chọn cổ phiếu và bắt đầu giải ngân cho danh mục năm tới".
"Sự hỗ trợ dòng tiền nhà đầu tư cá nhân vẫn đổ vào thị trường, lãi suất thấp 4% sẽ giúp động lực thị trường đi lên tích cực", ông Nguyễn Minh Hoàng - Chuyên viên cao cấp Khối phân tích thông tin CTCP Chứng khoán Nhất Việt nhận định.
9 tháng đầu năm 2021, nhà đầu tư trong nước mở mới gần 1 triệu tài khoản chứng khoán. (Ảnh minh họa - Ảnh: NLĐ)
VN-Index hướng đến chinh phục mốc 1.500 điểm
Không chỉ tăng về điểm số, mà thanh khoản thị trường cũng liên tục tăng mạnh, 5 ngày giao dịch giá trị trung bình tại HOSE là 25.000 tỷ đồng/phiên, có những phiên gần 30.000 tỷ đồng.
Dòng tiền không chạy vào một nhóm ngành cá biệt mà là lan toả. Nếu nhìn sâu hơn vào 10 nhóm ngành hút được dòng tiền nhiều nhất trong 5 ngày qua thì xây dựng và vật liệu xây dựng tăng hơn 12%, tiếp theo đó là y tế, dịch vụ tài chính, hàng tiêu dùng, sản phẩm công nghiệp mức tăng trên dưới 10%.
Ở mức từ khoảng 7% đến gần 9% là bảo hiểm, dịch vụ hạ tầng, ô tô linh kiện, truyền thông và bất động sản. Nhóm vốn là trụ đỡ của thị trường là ngân hàng cũng hút được với mức tăng khoảng 3%. Sự lan toả dòng tiền đến nhiều nhóm ngành giúp sự đi lên của VN-Index có sự chắc chắn hơn.
Thị trường tăng, ai cầm cổ phiếu cũng thấy vui vì tài khoản gia tăng lợi nhuận nhưng để có sự tăng bền vững thị trường sẽ có những nhịp nghỉ. Nhịp nghỉ luôn xảy ra tại từng cổ phiếu, từng nhóm ngành tại các phiên giao dịch bởi nhiều người sẽ muốn bán tránh ngày T+ để hưởng lợi, nhưng lại có người lúc đó mới nghĩ đã vào xu thế và mua đuổi vào.
Không nói trước được sang tuần thị trường sẽ tiếp tục tăng hay điều chỉnh để có điểm cân bằng mới. Nhưng nếu nhìn vào trung và dài hạn hơn, Việt Nam đang trong quá trình tái mở cửa hồi phục sau dịch của nhiều doanh nghiệp, điều này sẽ mang lại kỳ vọng cho nhà đầu tư và đó sẽ là động lực giúp VN-Index hướng đến các đỉnh cao hơn như 1.450 và xa hơn là 1.500 điểm ngay trong năm nay.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!